Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (gọi tắt là Luật Các tổ chức tín dụng 2024) có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/7 với một loạt các quy định, hướng dẫn đang tối ưu hóa hoạt động và quản lý trong lĩnh vực tài chính. Riêng khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 của Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8. Luật đi vào thực tiễn góp phần thúc đẩy hoạt động của tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.
Luật Các Tổ chức Tín dụng năm 2024 gồm 15 Chương và 210 Điều được Quốc hội chính thức thông qua ngày 18/1/2024. Một trong những thay đổi đáng chú ý trong Luật là không yêu cầu khách hàng phải có thông tin về phương án sử dụng vốn khả thi đối với các khoản vay nhỏ có giá trị dưới 100 triệu đồng. Thực hiện Luật, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 12/2024/TT-NHNN sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai quy định của Thông tư số 12/2024/TT-NHNN.
Theo đó, các tổ chức tín dụng đã và đang đẩy mạnh xây dựng, sửa đổi, ban hành quy định mới về danh mục hồ sơ vay vốn theo hướng đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ đối với các khoản vay dưới 100 triệu đồng. Đồng thời, xây dựng sản phẩm phù hợp hướng tới việc giải ngân các khoản vay dưới 100 triệu đồng trên các ứng dụng của ngân hàng với thời gian nhanh chóng.
Anh Lưu Xuân Hoàn, Phó Giám đốc BIDV Hạ Long, cho biết: Ngay từ đầu tháng 7, khách hàng đã không phải cung cấp thông tin về phương án sử dụng vốn khả thi đối với các khoản vay dưới 100 triệu đồng tại BIDV Hạ Long. Khách hàng chỉ cần giấy đề nghị vay vốn và chứng minh nguồn trả nợ, ngân hàng đã có thể cấp vốn tín dụng. Tính đến nay, BIDV Hạ Long đã giải ngân cho 18 khoản vay tiêu dùng của người dân dưới 100 triệu đồng. Việc đơn giản hóa thủ tục cho vay dưới 100 triệu đồng sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân, hạn chế tín dụng đen, thời gian phê duyệt nhanh chóng.
Anh Hoàng Văn Chung, Phó Giám đốc BAOVIET Bank Quảng Ninh, cho biết: Đối với các khoản vay có giá trị nhỏ, chúng tôi đang triển khai cho vay đối với các cán bộ, nhân viên, tư vấn viên của các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Bảo Việt trên địa bàn. Thời gian tới, áp dụng quy định mới, chúng tôi sẽ xây dựng sản phẩm cho vay giá trị cho nhiều nhóm khách hàng. Thủ tục được giảm bớt cũng đồng nghĩa với thời gian phê duyệt khoản vay được rút ngắn, giảm bớt thủ tục giấy tờ, dễ dàng đưa công nghệ số vào hoạt động cho vay, phù hợp với kinh tế số, ngân hàng số.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 còn có nhiều điểm mới khác như: Cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay, bổ sung quy định về xét duyệt các khoản vay tiêu dùng, quy định mới về can thiệp sớm các tổ chức tín dụng yếu kém, giảm dần cấp tín dụng theo từng giai đoạn, được chuyển nhượng tài sản đảm bảo là dự án bất động sản để thu hồi nợ…
Ngoài các điều, khoản được áp dụng từ ngày 1/7, khoản 3 Điều 200 về chuyển nhượng tài sản bảo đảm và khoản 15 Điều 210 về quy định chuyển tiếp của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 sẽ được thi hành từ ngày 1/8 khi Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 có hiệu lực.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 với nội dung toàn diện, đồng bộ, sâu sắc không chỉ là một cột mốc quan trọng, mà còn là bước tiến hướng tới sự phát triển bền vững trong lĩnh vực tài chính. Luật này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình ngành ngân hàng và tín dụng; tạo nên một hệ thống chặt chẽ, linh hoạt và minh bạch, quản lý rủi ro, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Không chỉ là một bộ quy tắc, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 còn là bản tuyên bố của Quốc hội về sự cam kết với một hệ thống tài chính mạnh mẽ, có đạo đức và phù hợp với xu hướng toàn cầu.