Nghề đan đát thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình đã giúp hàng nghìn lao động ở tỉnh Sóc Trăng có việc làm, thu nhập ổn định và không nghĩ đến chuyện đi làm ăn xa.
Từng có thu nhập bấp bênh từ nghề bán vé số dạo thì 4 năm trở lại đây, chị Sơn Thị Ngọc Bích ở xã Kế An, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) kinh tế đã dần ổn định nhờ nghề đan đát những sản phẩm mỹ nghệ từ cây lục bình. Hiện thu nhập mỗi tháng của chị từ 2- 2,5 triệu đồng.
“Được địa phương hỗ trợ cho học nghề đan đát, kết thúc khóa học, tôi nhận nguyên liệu về đan để có thu nhập. Mỗi ngày cũng được khoảng 70.000 đồng, đủ tiền trang trải cuộc sống. Nghề này khỏe, không phải ra mưa gió như bán vé số trước kia”, chị Bích nói.
Tương tự, gia đình ông Mã Thanh Sơn ở xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm hiện ngoài trồng lúa thì còn tham gia đan lục bình, mỗi năm có thu nhập từ 70-80 triệu đồng.
“Tôi đan lục bình khoảng 5 năm nay. Nghề này chỉ bỏ công là có lời rồi. Nếu gia đình nào chịu làm thì cuộc sống sẽ rất ổn định, có thể hơn đi làm ở các thành phố”, ông Sơn nói.
Theo bà con chia sẻ, nghề đan lục bình chỉ cần học khoảng 1 tuần đã thành thạo các công đoạn. Từ trẻ em đến người lớn tuổi đều có thể làm được. Thêm nữa đan theo hình thức gia công hưởng theo sản phẩm, người đan không cần tốn chi phí nguyên vật liệu nên ai khéo tay làm nhiều thì được hưởng nhiều.
Từ mô hình này, đã giúp người lao động nhàn rỗi ở Sóc Trăng có thêm nguồn thu nhập và trang trải cuộc sống gia đình, giải quyết việc làm và hạn chế được bà con phải rời quê đi làm ăn xa.
“Từ khi rời Bình Dương về quê nhà do thất nghiệp, tôi nhận lục bình về đan. Thu nhập mỗi ngày từ 80.000 – 100.000 đồng, có khi đan nhiều được 120.000 đồng. Công việc đều đặn, ổn định nên tôi không còn nghĩ đi xứ khác làm ăn nữa”, chị Lâm Thị Trang ở xã Kế An, huyện Kế Sách cho biết.
Hiện nay, hầu hết các Hợp tác xã (HTX), Tổ, Nhóm đan lục bình trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đều liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để nhận khung, nguyên liệu rồi phân phối lại cho các hội viên để đan, từ đó có những đơn hàng thường xuyên, giúp mọi người có công việc và thu nhập đều đặn.
Chị Nguyễn Kim Liên – Chủ nhiệm HTX đan đát lục bình Hương Liên xã Mỹ Bình, thị xã Ngã Năm – cho biết, HTX có khoảng 350 xã viên tham gia đan lục bình ở khắp các địa phương. Bà con sẽ đến nhận bộ khung và nguyên liệu mang về nhà làm, sau khi thành phẩm thì mang đến HTX nhận tiền công. Mỗi tuần, HTX sẽ thu gom với số lượng từ 12.000 -13.000 sản phẩm để giao cho đối tác.
Hiện nay, dọc theo tuyến sông trên địa bàn thị xã Ngã Năm, nhiều hộ dân còn tận dụng nguồn lục bình sẵn có, khoanh vùng nuôi để vừa làm nguyên liệu vừa thu hoạch phơi khô bán cho các cơ sở đan đát. Hiện tại, lục bình khô có giá trên 10.000 đồng/kg, mang lại thu nhập không nhỏ cho các hộ dân.