Bước qua nửa thời gian thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024 trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi nhưng Quảng Ninh vẫn đạt được những thành tựu quan trọng, nổi bật. Đặc biệt, việc triển khai ba đột phá chiến lược được đẩy mạnh, đã đóng góp quan trọng trong hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Xác định ba đột phá chiến lược có ý nghĩa, giá trị lâu dài trong hành trình phát triển của tỉnh, Nghị quyết số 20-NQ/TU (ngày 27/11/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 vẫn xác định ba đột phá chiến lược là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên cần thực hiện trong năm.
Trên cơ sở đó, ngay từ đầu năm, cấp ủy, chính quyền địa phương, sở, ngành đã kịp thời xây dựng kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực để có giải pháp tổ chức thực hiện. Trong đó, tập trung huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng; tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số.
Đến nay, tỉnh đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo tổng thể, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nhằm giải quyết các vấn đề tồn đọng, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, các công trình kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ. Điều này, góp phần quan trọng để hoàn thành và đưa vào sử dụng đường nối cầu Bến Rừng kết nối Quảng Ninh – Hải Phòng; hoàn thành thi công tỉnh lộ 342 nối Hạ Long – Ba Chẽ – Lạng Sơn; hoàn thành thi công đường nối Sơn Dương – Đồng Lâm; đường nối Sơn Dương – Đồng Sơn… và đang khẩn trương hoàn thành Trường THPT Ngô Quyền để sẵn sàng đưa vào sử dụng dịp đầu năm học mới 2024-2025. Cùng với đó, các dự án khó khăn trước đây như Đầm Nhà Mạc, Hạ Long Xanh, đường ven sông, cầu Lại Xuân từng bước được tháo gỡ, tái khởi động, đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng KCN, KKT tiếp tục được đầu tư xây dựng đồng bộ… Đây là các dự án có tác động tích cực đến công tác thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch và cải thiện điều kiện đời sống, sức khỏe, học tập của người dân.
Đối với công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục giữ vững, cải thiện điểm số của các chỉ số PCI, Par Index, SIPAS, PAPI. Năm 2023, là năm thứ 7 liên tiếp Quảng Ninh giữ vị trí Quán quân PCI; năm thứ 6 dẫn đầu chỉ số Par Index; năm thứ 5 liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS và 11 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Đây là chỉ số được đánh giá toàn diện, khách quan, đa chiều, thể hiện niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đối với tỉnh Quảng Ninh, là nguồn sức mạnh to lớn để tỉnh Quảng Ninh vượt qua mọi khó khăn, lực cản và hiện thực hóa khát vọng phát triển.
Đến nay, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh là 1.760. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận trên 71.000 hồ sơ TTHC, tỷ lệ đúng hạn và trước hạn đạt 99,7%; 100% phí, lệ phí giải quyết TTHC thực hiện bằng hình thức không dùng tiền mặt; thực hiện số hóa 100% hồ sơ TTHC đủ điều kiện theo “quy trình 5 bước trên môi trường điện tử”; cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với 100% TTHC đủ điều kiện.
Điều này đã tạo môi trường hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm, Quảng Ninh đã thu hút được hơn 1,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số 38 dự án cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn. Quảng Ninh đứng thứ 3 cả nước về thu hút FDI. Toàn tỉnh có gần 1.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn tỷ lệ trung bình cả nước.
Về đột phá ở nguồn nhân lực, tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; kế hoạch đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp thông qua hội thảo nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc miền núi trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo các điều kiện tốt nhất, cùng với các chính sách hỗ trợ, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh. Đến nay, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt gần 87%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ chiếm trên 50%, tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 17.400 lượt lao động; tuyển sinh đào tạo nghề mới cho 12.600 người…
Việc thực hiện ba đột phá chiến lược tại Quảng Ninh vẫn đang tiếp tục chuyển động mạnh mẽ. Điều này, đã tạo động lực rất lớn để Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm và là nền tảng vững chắc cho triển khai nhiệm vụ của cả năm cũng như những năm tiếp theo.