Danh sách 6 ca sĩ, diễn viên bị loại khỏi Anh trai say hi gây tranh cãi dữ dội.
Thậm chí một số khán giả còn tức giận tràn vào trang cá nhân của Gin Tuấn Kiệt tấn công vì nam diễn viên này chưa bị loại.
Đây có thể chính là một phần kịch bản mà nhà sản xuất của những chương trình như Anh trai say hi hay Anh trai vượt ngàn chông gai lường trước được.
Khi phóng viên Lao Động đặt câu hỏi với MC Thành Trung về việc nghĩ thế nào nếu bị loại sớm ở Anh trai vượt ngàn chông gai, Thành Trung nói: “Tôi là một MC, so về thanh nhạc, khả năng thẩm âm, hay tư duy âm nhạc, chắc chắn tôi không thể bằng những ca sĩ chuyên nghiệp. Việc tôi bị loại sớm cũng là điều dễ hiểu”.
Thành Trung cũng thừa nhận, vì làm việc trong lĩnh vực MC (dẫn các chương trình truyền hình), Thành Trung không có “fan club” (nhóm khán giả hâm mộ), anh cũng không có nhiều thời gian để họp fan, giao lưu với fan… Nên độ lan tỏa, nhận diện tên tuổi cá nhân của anh cũng thua nhiều nghệ sĩ khác.
Bởi vậy, Thành Trung nói: “Tôi tham gia cuộc chơi, tôi chấp nhận luật chơi. Nếu bị loại, tôi hoàn toàn vui vẻ với điều đó”.
Câu hỏi đặt ra, tại sao một nhân tố thừa biết sẽ bị loại sớm như MC Thành Trung lại có mặt ở Anh trai vượt ngàn chông gai? Bởi, mỗi nhân vật đến với truyền hình thực tế đã có “vai diễn” riêng của mình, họ có sứ mệnh, nhiệm vụ riêng, và sẽ bị loại ở đúng tập cần phải bị loại.
Giống như 6 ca sĩ, diễn viên vừa bị loại ở Anh trai say hi, dù gây tranh cãi dữ dội, nhưng đó chính là kịch bản cần có của một chương trình thực tế.
Khán giả bày tỏ sự phẫn nộ khi Công Dương, Nicky – những người đã trình diễn rất hay ở tiết mục triệu view “Catch me if you can” phải ra về trong khi những người chơi mờ nhạt như Gin Tuấn Kiệt vẫn ở lại.
Bởi, Gin Tuấn Kiệt có “vai diễn” và đất diễn riêng ở Anh trai say hi. Gin Tuấn Kiệt mang lại sức hút đặc biệt cho chương trình từ ngoại hình sáng giá đến câu chuyện hôn nhân với diễn viên hài Puka. Từ những lợi thế của mình, Gin Tuấn Kiệt sẽ có giá trị “rating” nhất định để chưa bị loại.
Ngay cả với 6 cái tên bị loại, trong đó Công Dương và Nicky vẫn đang thể hiện “đất diễn” của mình, đó là gây ra sự tranh cãi.
Khi bị vây bủa bởi tranh cãi nhưng vẫn có được sức hút, những chương trình truyền hình thực tế như Anh trai say hi phải đối diện phải câu hỏi, phải chăng họ cần tạo tranh cãi để thu hút khán giả, tạo ra độ thảo luận, tranh luận trên các diễn đàn mạng xã hội, từ đó sẽ tiếp thêm rating (chỉ số người xem) cho các tập tiếp theo?
Kênh truyền thông VICE từng cuộc trò chuyện với một nhà sản xuất (yêu cầu được giấu tên), người có kinh nghiệm 10 năm trong lĩnh vực truyền hình thực tế của Australia, và nhận được lời khẳng định rằng các show thực tế luôn tạo ra kịch bản có thể dẫn dắt, thao túng tâm lý khán giả.
Nhà sản xuất này nói rằng, khi đến với truyền hình thực tế, mỗi thí sinh đều có một lượng khán giả yêu mến nhất định, song việc họ được ở lại hay phải ra về phụ thuộc hoàn toàn vào ý đồ nhà sản xuất.
Khán giả tại trường quay được giới thiệu là những người có “quyền sinh quyền sát” trong tay, được quyền bấm chọn, được quyền loại thí sinh… Thế nhưng, ai là người đã tạo ra nhóm khán giả này? Ai lựa chọn họ để họ được bước vào trường quay và trở thành một “thế lực” đầy quyền lực ở chương trình? Chính là nhà sản xuất.
Năm 2023, chương trình Chị đẹp đạp gió rẽ sóng (mua bản quyền sản xuất từ Trung Quốc) khi lên sóng đã gây bão dư luận bởi những màn lộ kết quả và cãi vã bất tận xoay quanh chuyện “người đi, kẻ ở”.
Thực tế cho thấy, chính những tranh cãi này đã tạo ra sức hút lớn cho show “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”, từ khi lên sóng đến khi khép sóng. Sức hút lớn tới mức, ngay sau đó đã có loạt show “Anh trai” được sản xuất.