Trong các cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN, các nhà ngoại giao quốc tế từng có thời gian đảm nhiệm cương vị đại sứ tại Việt Nam đều khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có vai trò to lớn đối với sự phát triển và những thành tựu của đất nước Việt Nam thời gian qua, cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại niềm tiếc thương vô hạn với bạn bè quốc tế, đặc biệt là người dân đất nước Cuba anh em. Đó là tình cảm và sự kính trọng dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà cựu Đại sứ Cuba tại Việt Nam, Fredesmán Turró González đã chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Cuba.
Cựu Đại sứ Fredesmán khẳng định: “Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người bạn lớn của Cuba”. Ông là lãnh đạo Việt Nam đến thăm Cuba nhiều nhất với 5 lần, với nhiều vị trí cương vị khác nhau. Ông duy trì mối quan hệ cá nhân với các lãnh đạo chủ chốt của Cuba, luôn nắm rõ tình hình nước bạn, thúc đẩy tình cảm của người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, với Cuba. Trên các cương vị, ông luôn thúc đẩy sự phát triển quan hệ kinh tế – thương mại và tăng cường trao đổi kinh nghiệm về phát triển kinh tế của hai nước và công tác chính trị của hai Đảng, đặc biệt là trong lĩnh vực tư tưởng.
Bùi ngùi nhớ lại những ký ức về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà ngoại giao Cuba kể: “Tôi gặp ông vào năm 1989, khi còn là Tham tán Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam và tôi đã sắp xếp chuyến công tác của ông sang Cuba để dự một sự kiện của cơ quan lý luận của các đảng cộng sản và cánh tả tại La Habana. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng lúc đó là Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Sau này, chúng tôi gặp nhau nhiều lần, khi ông còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội, lúc vì lý do công việc, lúc khác tình cờ trên đường phố Hà Nội, nơi ông thích dạo bộ. Khi ông giữ các chức vụ Chủ tịch Quốc hội và Tổng Bí thư, tôi đã tháp tùng ông trong hai chuyến thăm chính thức Cuba với vai trò là Đại sứ Cuba tại Việt Nam. Tôi luôn ngưỡng mộ ông vì sự giản dị, tính tình niềm nở, sự sắc sảo và chắc chắn trong những tiêu chí. Chúng tôi gặp nhau lần cuối vào mùa hè năm 2013, khi tôi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là Đại sứ Cuba tại Việt Nam. Ông thích gọi tôi bằng tên tiếng Việt”.
Đánh giá về vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lãnh đạo và củng cố Đảng Cộng sản Việt Nam thời gian qua, cựu Đại sứ Fredesmán nhận định dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước đạt được những thành công mới, quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, cũng như đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ mới đưa Việt Nam trở thành một đất nước thịnh vượng có thu nhập trung bình cao trong thời gian tới. Theo ông, bên cạnh vai trò lãnh đạo, “đồng chí Nguyễn Phú Trọng còn là một học giả lỗi lạc, trong các cuốn sách của mình, ông không chỉ để lại cho chúng ta những lý giải về mặt lý luận và khái niệm về quá trình đổi mới ở Việt Nam mà còn cả lý luận và thực tiễn trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.
Cùng chung quan điểm, ông Feda El Taify, Giám đốc Quỹ Thư viện Công Ai Cập đồng thời là cựu Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam giai đoạn 2010 – 2014, nhận định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, đóng vai trò to lớn trong lịch sử hiện đại của Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, đất nước Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tạo ra nhiều kỳ tích to lớn trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế-xã hội và đối ngoại.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Cairo về những ấn tượng và sự ngưỡng mộ đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cựu Đại sứ El Taify đánh giá cao vai trò lãnh đạo hết sức quan trọng của ông trong việc phát triển các mối quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, điển hình như mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với Ai Cập, các quốc gia Arab, các nước châu Phi, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Cựu Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam nêu rõ về đối nội, trong những năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thúc đẩy sự thịnh vượng của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế – xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ và đạt được bước đột phá lớn về kinh tế. Hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu đi khắp các thị trường thế giới. Việt Nam đã vươn lên thành quốc gia công nghiệp, một nền kinh tế có tiềm lực to lớn. Ông El Taify bày tỏ ngưỡng mộ về việc phát huy sức mạnh nội sinh của con người Việt Nam, khi tạo ra được những kỳ tích về phát triển kinh tế. Ông cho rằng đó chính là “kỳ tích sông Hồng”, nhằm so sánh với “kỳ tích sông Hàn” mà người Hàn Quốc đã tạo ra.
Về đối ngoại, ông El Taify đánh giá với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ nhưng linh hoạt, hay còn gọi là nền “ngoại giao cây tre”, Việt Nam đã trở thành một thành viên hết sức quan trọng trong cộng đồng quốc tế, một đối tác quan trọng về kinh tế và ngoại giao với không chỉ khu vực châu Á, mà cả trên toàn cầu.
Cựu Đại sứ El Taify tin tưởng các nhà lãnh đạo kế nhiệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục phát huy tầm nhìn của Tổng Bí thư về các chiến lược phát triển của Việt Nam.
Khi theo dõi những bước phát triển của đất nước mà mình từng gắn bó, ông John McCarthy, cựu Đại sứ Australia tại Việt Nam giai đoạn 1981-1983, cho rằng dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã thể hiện được chính sách đối ngoại khéo léo và linh hoạt; thể hiện ý thức thực sự về độc lập, tự chủ chiến lược.
Trả lời phóng viên TTXVN tại Sydney về quan hệ giữa Việt Nam và Australia, cựu Đại sứ John McCarthy cho rằng trong các nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã vươn lên vị trí hàng đầu trong các mối quan hệ của Australia ở châu Á. Bằng chứng là quyết định gần đây của lãnh đạo hai nước nâng tầm quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện – một động thái có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Có mặt ở Việt Nam từ trước cuộc cải cách kinh tế vào những năm 1980, ông John McCarthy đã chứng kiến Việt Nam từ một nước còn thiếu thốn, khó khăn do ảnh hưởng của chiến tranh, nay đã có những bước chuyển mình lớn và rõ ràng. Các thành phố lớn phát triển vượt bậc và nền kinh tế của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nền kinh tế trong khu vực. Theo cựu Đại sứ John McCarthy, đó thực sự là điều đáng khâm phục.
Cùng chung nhận định, cựu Đại sứ Australia tại Việt Nam Susan Boyd (nhiệm kỳ 1994 – 1998) cho biết thời điểm bà làm việc tại Việt Nam, quốc gia “hình chữ S” này đã thực hiện công cuộc “Đổi mới”, mở cửa nền kinh tế với thế giới bên ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam liên doanh với các nước phương Tây, trong đó có nhiều doanh nghiệp và công ty Australia như Ngân hàng ANZ, nhà mạng Telstra, tập đoàn xăng dầu BHP Petroleum… Từ đó đến nay, đặc biệt là trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã mở rộng quan hệ trong nhiều lĩnh vực với nhiều quốc gia trên thế giới, từ chính trị, ngoại giao đến giáo dục, nghệ thuật… Có thể nói, Việt Nam đã tận dụng những thay đổi và nền kinh tế mở rộng nhanh chóng, cũng như những mối quan hệ chính trị rộng lớn hơn của mình để phát triển và xây dựng đất nước, mang lại đời sống ấm no cho người dân. Hệ thống giáo dục của Việt Nam cũng phát triển với tiêu chuẩn giáo dục cao, tạo điều kiện cho sự lãnh đạo chất lượng cao, với vai trò lãnh đạo chính trị và các liên kết quốc tế được tăng cường.