Sau hơn 13 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các vùng nông thôn Quảng Ninh đã đổi thay từng ngày. Sự đổi thay đó không chỉ cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, to, đẹp hơn mà thu nhập của người dân đã tăng lên mỗi ngày.
Với những cách làm bài bản, sáng tạo của tỉnh, chương trình xây dựng NTM của Quảng Ninh đã tiến một bước tiến dài, ngoài về cơ sở hạ tầng kinh tế, nhiều vùng thôn quê của Quảng Ninh dần mang dáng dấp nơi thành thị sầm uất. Và điều đáng phải nói là thu nhập bình quân khu vực nông thôn, trong đó có không ít xã vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào sinh sống, thu nhập đã đạt trên 80 triệu đồng/người/năm.
Là một xã vùng cao, khi bước vào triển khai xây dựng NTM, xã Quảng Sơn (Hải Hà) thuộc xã diện đặc biệt khó khăn. Địa hình chia cắt bởi nhiều sông, khe suối, đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng không đồng bộ và 98% số hộ dân là người đồng bào dân tộc, dân cư sống phân tán, tập tục sản xuất canh tác lạc hậu, manh mún dẫn đến đời sống của người dân hết sức khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã cao, có thôn lên tới hơn 80%. Trước thực trạng này, ngay khi bước vào triển khai chương trình xây dựng NTM, song song với đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, Quảng Sơn tập trung nguồn lực cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, trong quá trình triển khai các mô hình phát triển sản xuất, xã Quảng Sơn họp bàn, phân công gắn trách nhiệm đối với từng cán bộ phụ trách địa bàn, mặt khác, mỗi khi xã triển khai một mô hình phát triển kinh tế mới xã đều lựa chọn và mời mỗi thôn một hộ gia đình cùng tham dự; đồng thời trong quá trình triển khai xã trực tiếp đến tận mô hình để vừa là tuyên truyền, vừa là cầm tay chỉ việc.
Từ những giải pháp đồng bộ, các hộ gia đình trên địa bàn xã đã thay đổi nhận thức, bỏ đi những tập tục canh tác manh mún nhỏ lẻ và thay vào đó là những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế. Không chỉ thế, mà giờ đây mọi người dân trên địa bàn xã đều đã tận dụng hết quỹ đất, kể cả những khu đất bỏ hoang xưa để trồng các loại cây hoa màu, cuộc sống của người dân ngày một giàu lên. Hết năm 2019, xã Quảng Sơn thoát ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Năm 2020, xã hoàn thành và đạt xã NTM. Năm 2024, xã tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu, trong đó tiêu chí về nâng cao thu nhập bình quân trên 80 triệu đồng/người/năm, và không còn hộ nghèo theo tiêu mới.
Việc nâng cao thu nhập cho người nông dân, không chỉ giúp cho họ nâng cao giá trị về quỹ đất canh tác, sản xuất, mà còn giúp cho người nông dân hình thành một tư duy mới chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Khắp các vùng nông thôn của Quảng Ninh ngày càng nhiều sản phẩm OCOP của người nông dân. OCOP đã trở thành sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng do chính mình làm ra được thị trường tin dùng, vươn xa, trải rộng trên khắp các tỉnh thành trong cả nước, thậm trí có một số sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế thông qua các hội chợ, trang mạng sàn thương mại điện tử, các kênh cá nhân sẵn có như zalo, facebook, youtube… Đây chính là động lực tiếp thêm sức mạnh cho người nông dân tự tin bước vào thị trường, tự mình nâng cao chất lượng sản phẩm để mang lại thu nhập ngày càng cao.
Các giải pháp về nâng cao thu nhập cho người nông dân được minh chứng qua những việc làm cụ thể, khi bước vào xây dựng NTM thu nhập của người nông dân Quảng Ninh mới chỉ đạt trên dưới 10 triệu đồng/người/năm, thì sau hơn 13 năm, thu nhập bình quân đã đạt gần 80 triệu đồng/người/năm. Kết quả này, thể hiện rõ sự kiên định của các cấp uỷ đảng, chính quyền trong việc lấy thu nhập của người nông dân là trụ đỡ xây dựng NTM, đồng thời đó cũng là động lực để người nông dân sáng tạo, cần cù lao động sản xuất và bỏ đi lối tư duy sản xuất đơn thuần, thay vào đó là lối tư duy kinh tế tích hợp đa giá trị thông qua năng suất, sản phẩm nông nghiệp tăng thêm trên một đơn vị diện tích, tự mình chủ động nâng cao thu nhập bền vững; góp phần xây dựng các vùng quê của Quảng Ninh ngày càng đổi mới, phát triển, phồn vinh và hạnh phúc.