Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và các lực lượng lao động xã hội khác với trí thức đã củng cố và gia tăng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và khối liên minh công nhân – nông dân – trí thức, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong bối cảnh mới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quý Quỳnh, Ban Tổ chức Cán bộ và Kiểm tra, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xúc động nhớ lại, ngày 13/8/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Trong bài phát biểu tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết của các giáo sư, tiến sĩ, đồng thời chia sẻ khó khăn trong cuộc sống cũng như trong công việc của các nhà khoa học. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bày tỏ sự ủng hộ và mong muốn Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam không ngừng phát huy sức mạnh của mình trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiếp tục nâng cao nhận thức, quán triệt Nghị quyết của Đảng để triển khai Nghị quyết hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Qua bài phát biểu, có thể thấy rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, trong đó có đội ngũ trí thức Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; ghi nhận đóng góp lớn lao của các trí thức trong Viện Hàn lâm, những người đã một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn tâm huyết đóng góp vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, triển khai các hoạt động nhằm phát huy sức mạnh của khối liên minh công nhân – nông dân – trí thức.
Điều này cũng thể hiện rõ trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Bối cảnh tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải quan tâm xây dựng, phát triển và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí và sự đóng góp của đội ngũ trí thức nước nhà – Nguyên khí của quốc gia, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Là người đã từng gặp mặt và trò chuyện vài lần với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kỹ sư Bùi Công Khê, Giám đốc Trung tâm Vật liệu mới thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi được gặp mặt Tổng Bí thư vào năm 2006, lúc đó Tổng Bí thư là Bí thư Thành ủy Hà Nội đọc bài phát biểu nhân dịp Kỷ niệm 116 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn tôi là cựu học viên lớp đảng viên mới do Thành ủy Hà Nội tổ chức năm 1966 được Bác Hồ đến thăm và nói chuyện. Lần thứ 2 là vào năm 2015, nhân dịp Đại hội Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội lần thứ VII tại Cung Văn hóa hữu nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đến thăm gian hàng trưng bày các thành tựu khoa học công nghệ của Liên hiệp hội Hà Nội. Tôi đã trực tiếp giới thiệu các sản phẩm khoa học do Trung tâm vật liệu mới chế tạo và Tổng Bí thư cũng đã động viên, khen ngợi nhóm nghiên cứu”.
Đối với kỹ sư Bùi Công Khê, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh đạo mang tinh thần: “Tất cả vì nước vì dân”, một con người luôn cống hiến suốt đời cho sự nghiệp cách mạng, làm việc chiến đấu cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc cho đến hơi thở cuối cùng. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi sâu, làm rõ vai trò của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước, về xây dựng Đảng cầm quyền từ thực tiễn đổi mới ở Việt Nam. Thành công lớn nhất trong sự nghiệp của Tổng Bí thư chính là công tác xây dựng Đảng, xây dựng khối đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, xây dựng được bộ máy quản lý đất nước ngày càng trong sạch vững mạnh.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lần đầu tiên Đảng ta ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; trong đó, đặt mục tiêu “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính…
Là một cán bộ làm khoa học, kỹ sư Bùi Công Khê luôn nhớ đến câu nói của Tổng Bí thư tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963 – 18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26-/3/1983 – 26/3/2023): “Tầng lớp trí thức là hiền tài, nguyên khí của quốc gia, những người làm hưng thịnh cho đất nước; làm rạng rỡ cho dân tộc và vẻ vang cho giống nòi. Trách nhiệm của trí thức Việt Nam là lực lượng chính đưa khoa học và công nghệ, trí thức sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”.
Có thể thấy, Tổng Bí thư đã đặc biệt chú trọng công tác định hướng tư tưởng cho đội ngũ trí thức. Ngoài trình độ, năng lực chuyên môn, đội ngũ trí thức phải thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức tốt đẹp, ý thức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bản thân người trí thức phải xác lập cho mình hệ tư tưởng vững vàng – hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, tuyệt đối chấp hành sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.