Thu nhập ít hơn, Đặng Hoàng buộc giảm chi tiêu cả 3 khoản thường xuyên là ăn ở tiệm, cà phê và thời trang từ đầu năm đến nay.
Đặng Hoàng (31 tuổi) làm trong ngành quảng cáo tại TP HCM. Nửa năm qua, thay vì mua sắm quần áo có thương hiệu như trước, anh chỉ săn sale trên livestream với giá rẻ hơn để mặc. Tiền đi cà phê cũng được anh tiết kiệm bằng cách chuyển mua từ các chuỗi đồ uống sang trọng qua tầm trung.
Tuy nhiên, khoản chi ăn ở tiệm được anh cắt giảm nhiều nhất. “Tôi ưu tiên nấu ăn tại nhà và giảm tần suất ăn nhậu ở quán, một phần vì thu nhập ít đi”, anh kể.
Đặng Hoàng không cá biệt. Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường NielsenIQ Việt Nam cho hay 62% người tiêu dùng được hỏi trong quý I chọn nấu ăn tại nhà để tiết kiệm, 32% nói họ giảm ăn ở ngoài. Tỷ lệ người được hỏi chọn các phương thức tiết kiệm này tăng liên tục từ giữa năm ngoái. Ngoài ra, 16% người được hỏi cho biết đã giảm mua hàng tạp hóa và 50% không mua hàng xa xỉ, tăng lần lượt 6 và 8 điểm phần trăm so với quý III/2023.
Các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ và dịch vụ cảm nhận rõ tinh thần chắt chiu của người Việt nửa năm qua. Han Sovy, Giám đốc đối ngoại Cosmodern – sàn thương mại điện tử chuyên bán thời trang thiết kế nội địa (local brand) – thừa nhận sức mua chững lại từ giữa năm ngoái.
“Các tên tuổi lớn và được nhiều người biết đến vẫn bán được nhưng chậm hơn trước khá nhiều. Riêng một số thương hiệu nhỏ, mới ra đời đã nghỉ bán tạm thời”, anh cho biết.
Cung cấp dịch vụ huấn luyện viên và phòng tập, Công ty thể thao và sự kiện PCS cho hay kết quả kinh doanh nửa đầu 2024 có dấu hiệu đi xuống. “Người dân thắt chặt chi tiêu hơn cho các hoạt động không thiết yếu như tập luyện thể dục thể thao”, Trọng Nhân, nhà sáng lập kiêm CEO nói.
Theo báo cáo khảo sát quý II công bố đầu tháng này của Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (Huba), bên cạnh hơn 57% doanh nghiệp đang hoạt động ổn định thì 30,4% cho biết doanh thu giảm. Trong các khó khăn chính được chỉ ra, “nhu cầu tiêu dùng giảm” được đồng thuận cao nhất, đến 64%.
Sức mua giảm khiến hàng tồn kho tăng, lên mức 34%. “Thương mại, bán lẻ không tăng nhiều do sức cầu yếu, thu nhập người dân giảm. Nhìn chung doanh nghiệp khó do thiếu thị trường”, đại diện Huba báo cáo trong phiên họp kinh tế – xã hội 6 tháng của UBND TP HCM, hôm 1/7.
Cũng tại buổi này, Cục trưởng Thống kê Nguyễn Khắc Hoàng cho biết mức tiêu dùng quý II có dấu hiệu chậm lại so với quý I. Tính từ 2019, tiêu dùng tại TP HCM chỉ tăng 3% sau khi loại trừ yếu tố tăng giá, bằng một nửa so với trước dịch Covid-19.
Doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam cũng thận trọng. Cụ thể, chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) ghi nhận giảm nhẹ từ 52,8 trong quý I xuống 51,3 quý II. “Mức chi tiêu và hoạt động kinh doanh có dấu hiệu tích cực nhưng diễn biến không đồng nhất ở các ngành”, báo cáo của EuroCham nêu.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng trưởng 5,7%, sau khi loại trừ yếu tố lạm phát, theo Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, tăng trưởng đã giảm tốc so với nửa đầu 2023, thời điểm tăng 8,8%.
Chứng khoán SSI chỉ ra rằng, các dữ liệu về bán lẻ cho thấy tiêu dùng trong dịp lễ 30/4 không quá đột biến. Trong khi, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động hay thất nghiệp của thanh niên trong quý II đều nhích tăng. Các dữ liệu lao động này có thể ảnh hưởng tới thu nhập hộ gia đình.
Chi tiêu của người Việt được kỳ vọng cải thiện nửa cuối năm nhưng đòi hỏi doanh nghiệp thích ứng, kích cầu. CEO PCS Trọng Nhân dự báo tình hình cuối năm sẽ chuyển hướng tích cực nhưng không đáng kể. Anh chọn cách tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyên môn nhân sự để giữ chân và hút khách.
Han Sovy nói các thương hiệu trên sàn Cosmodern trước đây có giá phổ biến trên dưới một triệu đồng mỗi sản phẩm. “Một số thương hiệu định ra mắt các bộ sưu tập giá hợp lý hơn, kết hợp với khuyến mại và bán offline tại các chợ phiên”, anh cho hay.
Trong khi đó bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, Quản lý cấp cao phụ trách phát triển thị trường cho dịch vụ về đo lường bán lẻ tại NielsenIQ Việt Nam, khuyến nghị doanh nghiệp bán lẻ cần “5 đúng” về điểm bán, sản phẩm, giá, hình thức trưng bày và hoạt động kích cầu.
Nghiên cứu của công ty này cho thấy một vài xu hướng như người tiêu dùng Việt quen dần với sự có mặt của các nhãn hiệu và sản phẩm mới, nhưng không mấy háo hức trải nghiệm chúng như trước. Trong khi, họ rất quan tâm đến giá, đặc biệt là sự thay đổi giá với các sản phẩm chọn mua. Ngoài ra, khách hàng cũng có xu hướng tăng chi tiêu tại các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa nhỏ (minimart).
Ngoài lực lượng tiêu dùng tại chỗ, sức mua từ đà phục hồi của du lịch cũng là một kênh có thể tìm cách tận dụng. Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam nửa đầu năm đạt hơn 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ 2023 và hơn 4% so với trước Covid-19.
Trên nền tảng đặt dịch vụ Klook Việt Nam, nhu cầu đặt trước của du khách tới Việt Nam 6 tháng đầu đã tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nắm bắt cơ hội này, Giám đốc điều hành Klook Việt Nam Nguyễn Huy Hoàng cho biết nền tảng tiếp tục kích cầu mùa hè bằng 1000 ưu đãi cho hơn 10 điểm đến. Họ cũng bắt tay với các nhà phát hành thẻ, ngân hàng, ví điện tử để giảm giá, ưu đãi vào các ngày cuối tuần.
Ở góc độ vĩ mô, tại đầu tàu kinh tế TP HCM, nơi Đặng Hoàng đang sinh sống, làm việc và chi tiêu hàng ngày, Cục trưởng Thống kê Nguyễn Khắc Hoàng cho rằng muốn kích cầu tiêu dùng thì “người dân phải có thu nhập, khách đến phải có chỗ tiêu”. Do đó, cần nhiều giải pháp hơn các sự kiện khuyến mại.
Trong cuộc họp đầu tháng này, bên cạnh chỉ đạo các sở ngành tăng giải ngân đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế nói chung, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đề nghị Sở Du lịch tìm giải pháp giữ chân khách quốc tế. Tức là, thành phố đánh giá hiệu quả du lịch không bằng lượt đến mà qua số đêm lưu trú và chi tiêu. “Khách lưu trú tại TP HCM trung bình 3 hôm trong hành trình 12-15 ngày của họ ở Việt Nam thì mình làm sao họ tăng ở đây lên 5 hôm”, ông ví dụ.