Ngày 6/5, UBND tỉnh Bình Phước ban hành Quyết định số 755/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng, truyền thông quảng bá hình ảnh tỉnh Bình Phước năm 2024, 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Bình Phước là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có vị trí địa lý chiến lược, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, là cửa ngõ kết nối, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và Vương quốc Campuchia… Những năm qua, Bình Phước có nhiều thành tựu phát triển trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh đã và đang có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh; trong đó, chú trọng thu hút đầu tư, cơ cấu lại nền kinh tế, lựa chọn ngành, lĩnh vực trọng tâm để đầu tư hiệu quả; nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước; đầu tư các lĩnh vực xã hội nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Bình Phước có nhiều khu, điểm du lịch với cảnh thiên nhiên đẹp; nhiều di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia, cấp tỉnh phù hợp để phát triển các loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái,…
Hoạt động truyền thông quảng bá hình ảnh địa phương được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả tốt. Song nhìn chung, truyền thông quảng bá của tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chưa có những hình ảnh, biểu tượng, sản phẩm mang bản sắc riêng; thông tin về chính sách thu hút đầu tư, tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh con người và vùng đất Bình Phước ra ngoài tỉnh và nước ngoài chưa nhiều. Do vậy, việc xây dựng, ban hành Đề án “Xây dựng, truyền thông quảng bá hình ảnh tỉnh Bình Phước năm 2024, 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” là cấp bách và cần thiết.
Đến năm 2025, cơ bản tạo ra hệ thống nhận diện về hình ảnh Bình Phước
Đề án đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, cơ bản tạo ra được hệ thống nhận diện về hình ảnh tỉnh Bình Phước đặc trưng, bản sắc và được truyền tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong và ngoài nước; giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong nước, quốc tế dễ dàng nhận biết về Bình Phước.
Bước đầu có chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và phát triển được hình ảnh về Bình Phước là điểm đến hấp dẫn của du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước; hình ảnh một tỉnh năng động, phát triển nhanh và bền vững, có nhiều triển vọng phát triển; chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng biên giới với đô thị trong tỉnh; tăng cường kết nối vùng; tích cực xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước chuyển dần sang chính quyền số.
Đến năm 2030, cơ bản xây dựng được hình ảnh về Bình Phước là điểm đến hấp dẫn
Mục tiêu đến năm 2030, cơ bản xây dựng và phát triển được hình ảnh về Bình Phước là điểm đến hấp dẫn; tiếp tục xây dựng chính quyền Bình Phước thân thiện, cầu thị, minh bạch, mang tinh thần phục vụ nhân dân, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, thủ tục thông thoáng,…
Xây dựng hình ảnh Bình Phước trở thành nơi đáng sống, có môi trường sống trong lành, an toàn, văn minh; văn hóa Bình Phước đa dạng, bản sắc và hội nhập, vừa đậm đà giá trị văn hóa của dân tộc, vừa giàu bản sắc của địa phương; con người Bình Phước với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, đồng thời có những đặc tính nổi trội là hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo theo Nghị quyết số 14/NQ-TU ngày 20-11-2023 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Tập trung quảng bá theo từng nhóm đối tượng
Về nội dung truyền thông quảng bá chung: Tiềm năng, thế mạnh, cơ hội việc làm, các chính sách phát triển, nhất là chính sách thu hút đầu tư; trong đó nhấn mạnh quyết tâm chính trị cao của tỉnh trong thu hút đầu tư, quan tâm, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp thông qua “4 nền tảng”: hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt, dịch vụ công tốt. Những dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, công tác đối ngoại. Các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng, tiêu biểu, chất lượng cao trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ của tỉnh. Những giá trị lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, con người Bình Phước. Kết quả nổi bật trong xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị tỉnh.
Nội dung cần tập trung quảng bá theo từng nhóm đối tượng: Nhóm các doanh nghiệp trong và ngoài nước: Trọng tâm quảng bá về tiềm năng đầu tư và hợp tác tại tỉnh; cam kết của chính quyền để đồng hành cùng doanh nghiệp (các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh; việc đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng chính quyền điện tử, năng động và sáng tạo,…).
Nhóm trí thức, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước: Tuyên truyền đồng bộ trên tất cả lĩnh vực, chú trọng phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ này để tạo ra các sản phẩm phục vụ tuyên truyền (các bài viết, thơ, văn, âm nhạc, hội họa về chủ đề quê hương, con người Bình Phước).
Nhóm công nhân, người lao động trong và ngoài tỉnh: Trọng tâm quảng bá về cơ hội việc làm, chính sách nhà ở xã hội, giáo dục, môi trường sống.
Nhóm công chúng (trọng tâm là khách du lịch ngoài tỉnh, quốc tế, kiều bào): Truyền thông về những giá trị lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, con người Bình Phước; các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.