Vân Đồn – Bái Tử Long – Cô Tô và tuyến du lịch biển đảo là các điểm đến đẹp, có thương hiệu của du lịch Quảng Ninh. Vì thế, việc kết nối các điểm đến thành tuyến du lịch trọng điểm sẽ mở ra nhiều triển vọng đáng chú ý.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trước nhu cầu đổi mới, đa dạng sản phẩm, việc liên kết các “thương hiệu” thành sản phẩm đặc sắc, riêng có đang trở thành xu hướng, nhu cầu bức thiết.
Để hiện thực hóa, khai thác giá trị các tuyến du lịch trọng điểm và tiềm năng to lớn của Bái Tử Long, năm 2020 tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án tổng thể quản lý, phát triển du lịch biển đảo Bái Tử Long – Cô Tô – Vân Đồn. Trước đó, năm 2014 tỉnh đã ra Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh; định hướng phát triển sản phẩm du lịch biển đảo Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long – Vân Đồn – Cô Tô… thành tuyến du lịch biển đảo trọng điểm.
Trên thực tế, tiềm năng kết nối giữa các “thương hiệu” trên là rất lớn. Có thể thấy, đó là vịnh Bái Tử Long còn giữ nguyên vẹn những nét tinh khôi của một quần đảo hoang sơ với hàng trăm đảo đá, bãi cát tuyệt đẹp. Đó là chưa kể Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là Vườn Di sản ASEAN thứ 38, ẩn chứa nhiều giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường sinh thái đặc sắc, hiếm có.
Sát kề là vùng biển đảo Vân Đồn – Cô Tô đang phát triển mạnh mẽ, năng động với các điểm đến, sản phẩm đã định vị “thương hiệu”, như: Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng… Với Cô Tô, các bãi biển hoang sơ trải dài cả cây số, cát trắng, rạn san hô tuyệt đẹp, nước trong xanh kề những khu rừng nguyên sinh, tạo sức hút riêng cho du lịch hè.
Ông Nguyễn Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, từng tham gia khảo sát các tuyến du lịch biển đảo, chia sẻ: Có thể nói, đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự khác biệt. Việc mở rộng, kết nối thành sản phẩm, tuyến du lịch trọng điểm là điều mà nhiều doanh nghiệp du lịch mong muốn”.
Như vậy, việc kết nối các điểm đến hấp dẫn, giàu tiềm năng trên sẽ tạo thành một không gian lớn, chứa đựng một kho tàng giá trị khổng lồ phục vụ hoạt động du lịch. Đây là điều kiện thuận lợi để tổ chức các tour du lịch liên hoàn, kết nối Bái Tử Long – Vân Đồn – Cô Tô với nhau, với Hạ Long và các vùng phụ cận. Thậm chí tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt, có ưu thế cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Triển khai thực tế, từ năm 2014 đến nay, du lịch Quảng Ninh bước đầu cho thấy thành công của các sản phẩm du lịch dịch chuyển theo tuyến Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long. Trong đó, có sự tiên phong khai thác vẻ đẹp hoang sơ Bái Tử Long của du thuyền Đông Dương, Bhaya… Gần đây, trong kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch 2024 của UBND tỉnh, có 11/62 sản phẩm khai thác lợi thế khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long.
Trọng tâm mở rộng không gian du lịch là tại khu vực Vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô và một số đảo trên địa bàn tỉnh; tập trung phát triển sản phẩm đa dạng, độc đáo, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng… Đặc biệt là các sản phẩm du lịch tham quan, lưu trú kết nối Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long – Vân Đồn đã nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp, du khách. Hiện nay, Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận đã tiên phong đưa 2 du thuyền song sinh Grand Pioneers cao cấp vào phục vụ, khai thác hành trình kết nối Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long, nhằm hướng tới tiếp cận đa dạng các dòng khách, xây dựng thương hiệu điểm đến “Kỳ quan 4 mùa”…
Có thể thấy, dù đã có những chuyển động ban đầu đáng khích lệ, tuy nhiên, sự liên kết tuyến, kết nối giữa các địa phương chưa thực sự hiệu quả. Những kết quả đạt được mới chỉ bước đầu, triển khai ở một số tuyến điểm đầy đủ hạ tầng, thuận lợi về cảnh quan. Hiện còn thiếu các liên kết, kết nối tuyến du lịch liên hoàn trong khu vực như Bái Tử Long – Vân Đồn – Cô Tô; các tour kết hợp tham quan biển đảo và các điểm đến trên bờ…
Một khó khăn nữa cần được giải quyết là hoạt động liên tuyến biển đảo có tính chất đặc thù riêng biệt, có tính liên vùng, liên ngành cao. Không gian phát triển trải rộng đến vùng biển, đảo 3 địa phương Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, trong đó có những phát sinh có liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành. Không ít vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc luật điều chỉnh cấp trung ương. Bên cạnh đó còn thiếu về cơ sở hạ tầng du lịch các tuyến điểm, luồng tuyến cũng như sự quan tâm, vào cuộc của các doanh nghiệp…