Thời gian qua Quảng Ninh là một trong số ít địa phương trên cả nước đã ban hành nhiều chính sách hiệu quả để phát triển lâm nghiệp bền vững. Tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Minh Sơn về nội dung này.
– Xin ông cho biết nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa như thế nào?
+ Quảng Ninh có diện tích rừng lớn, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 55%, với trên 370.000ha đất có rừng. Những cánh rừng không chỉ tạo sinh kế cho người dân có thu nhập ổn định, mà còn là vành đai bảo vệ biên giới, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để nhân rộng những cánh rừng lớn, nhất là rừng gỗ lớn, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) về phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh. HĐND tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, điển hình như Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn Quảng Ninh. Nghị quyết triển khai thí điểm tại TP Hạ Long, TP Cẩm Phả và huyện Ba Chẽ với 921 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, tham gia chính sách phát triển rừng trồng cây gỗ lớn, cây bản địa, với diện tích hơn 1.400ha; tổng kinh phí ngân sách tỉnh đã hỗ trợ 28,8 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai nghị quyết này vẫn còn bộc lộ những hạn chế, như phạm vi, đối tượng thụ hưởng chính sách áp dụng còn hẹp, trên cơ sở đánh giá thực tiễn chính sách đã triển khai và quy định của Chính phủ tại Nghị định số 58/2024/NĐ-CP (ngày 24/5/2024) về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, việc ban hành chính sách mới là rất cần thiết để đảm bảo phạm vi, đối tượng, có chính sách đủ mạnh, tổng thể, tạo bước đột phá trong phát triển rừng gỗ lớn và các loài cây dưới tán rừng, nâng cao đời sống cho người trồng rừng.
Nghị quyết mới vừa được thông qua chắc chắn tạo thêm động lực để người dân, tổ chức, doanh nghiệp đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa trong quá trình canh tác, phát triển sản xuất bền vững cả về kinh tế lâm nghiệp và môi trường, thực hiện mục tiêu thị trường tín chỉ các bon mang lại hiệu quả cao cho người trồng rừng.
– Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh có những điểm mới khác biệt nào so với Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND, thưa ông?
+ Thực tế hiện nay, rào cản lớn nhất khiến cho tỷ lệ rừng gỗ lớn còn thấp, chủ yếu là do người dân thiếu nguồn lực kinh tế để chuyển đổi từ trồng keo, bạch đàn sang trồng cây gỗ lớn, cây bản địa. Vì vậy nghị quyết mới vừa thông qua có sự điều chỉnh, bổ sung nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn; bổ sung chính sách hỗ trợ sản xuất dưới tán rừng cho tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân.
Nghị quyết mới có một số điểm thay đổi so với Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021, như: Mở rộng phạm vi áp dụng từ 3 địa phương (Hạ Long, Ba Chẽ, Cẩm Phả) lên thành áp dụng trên toàn tỉnh; mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, từ chỉ hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân thành hỗ trợ đối với tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân; nâng mức hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, từ chỉ hỗ trợ kinh phí mua cây giống với mức 15 triệu đồng/ha thành hỗ trợ kinh phí mua cây giống và công chăm sóc với mức 20 triệu đồng/ha; đồng thời nâng mức hỗ trợ vay vốn Ngân hàng CSXH từ 20 triệu đồng/ha lên thành 30 triệu đồng/ha. Bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế dưới tán rừng, trong đó hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân đã tham gia chính sách trồng rừng gỗ lớn với mức 10 triệu đồng/ha diện tích rừng trồng gỗ lớn để trồng cây lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Những điều chỉnh đối với chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp sẽ góp phần tháo gỡ “rào cản” về nguồn lực phát triển rừng, góp phần thúc đẩy lâm nghiệp Quảng Ninh phát triển bền vững.
– Để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, Sở NN&PTNT sẽ triển khai những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?
+ Để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở sẽ cùng vào cuộc. Công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh phải được đẩy mạnh, nhất là những quan điểm mới về phát triển lâm nghiệp; các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm phát triển lâm nghiệp, phát triển rừng bền vững đã được tỉnh phê duyệt.
Cụ thể, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết; các cấp ủy, chính quyền sẽ có kế hoạch triển khai cụ thể nghị quyết, mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn. Trong đó, phải quan tâm đến mục tiêu lớn nhất của nghị quyết là xây dựng được cơ chế khuyến khích người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng một cách hiệu quả; giữ được các loại rừng đặc dụng, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn và từng bước chuyển đổi rừng sản xuất sang rừng gỗ lớn.
Sở NN&PTNT cũng tiếp tục làm việc với Ngân hàng CSXH triển khai các giải pháp giúp hộ gia đình, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ theo đúng quy định. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường giao đất, giao rừng, trồng rừng thay thế, trồng rừng sản xuất, ứng dụng KHCN để tạo đột phá, nâng cao giá trị rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, huy động nguồn lực đầu tư phát triển rừng và kinh tế lâm nghiệp, nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân trồng rừng.
– Trân trọng cảm ơn ông!