Giữa nhịp sống hiện đại, những quan điểm về văn hóa ẩm thực với nhu cầu ăn uống nhanh, gọn, tiện lợi được nhiều người ưa chuộng. Theo đó, những tưởng văn hóa uống trà truyền thống cũng sẽ phai nhòa theo thời gian, lu mờ bên những loại nước uống hiện đại như cà phê, sinh tố, nước ép… song hiện nay lại có không ít người trẻ yêu thích, tìm về thú vui thưởng trà mộc mạc, an yên và hơn hết là mong muốn gìn giữ, lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống.
Nói đến văn hóa trà thường người ta hay nhắc tới Trung Quốc và Nhật Bản. Song ở Việt Nam, theo phong tục, tập quán từ xưa đến nay, trà cũng là thức uống không thể thiếu trong những dịp lễ tết, cưới hỏi, giỗ chạp, gia đình sum họp… Khách đến chơi nhà, thăm hỏi cũng được mời nhau tách trà nóng để thể hiện thịnh tình và giúp câu chuyện thêm phần gắn kết.
Từ một người yêu thích trà đến việc tự sản xuất trà, làm chủ quán trà truyền thống, anh Momo Phạm (SN 1988), phường Yết Kiêu, TP Hạ Long, cũng trải qua một quá trình tìm tòi, học hỏi với mong muốn lan tỏa văn hóa trà Việt đến với mọi người, nhất là những người trẻ.
Anh Momo Phạm chia sẻ: Vốn là người theo Phật, thường xuyên thiền nên việc uống trà với tôi như một điều hết sức tự nhiên. Cùng với đó, nắm bắt xu hướng của giới trẻ hiện nay, có rất nhiều người thích tìm đến những chốn thưởng trà an yên nên tôi mở ra “Tiểu trà quán” với mong muốn đây là nơi để kết nối, giao lưu giữa những người cùng yêu trà, là nơi người cao tuổi và người trẻ tuổi chia sẻ về những câu chuyện, quan niệm cuộc sống để cùng nhau học hỏi, mở mang tri thức. Ngoài ra, cùng với thưởng trà, mọi người có thể tham gia các hoạt động viết thư pháp, thiền… để có thể hiểu hơn về những giá trị văn hóa, nét đẹp xưa cũ và dành cho mình những giây phút “sống chậm”, tìm thấy bản ngã của chính mình.
Cũng chính từ yêu thích, trân quý, anh Momo Phạm tìm cho mình con đường đến với việc làm trà thủ công với mong muốn giữ trọn vẹn tinh túy trà Việt. “Một trong những sản phẩm được ưa chuộng nhất của Việt Nam phải kể đến trà Shan tuyết cổ thụ vùng Tà Xùa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) bởi hương vị đặc trưng của thổ nhưỡng, khí hậu và được bà con dân tộc Mông làm thủ công nên rất đậm đà, tinh khiết. Những ngày cùng ăn, cùng ở, cùng dậy sớm lên rừng hái lá trà rồi về sao trà bằng tay không trên chảo gang rất kỳ công, tôi thêm hiểu và trân trọng từng lá trà, từng chén trà được uống mỗi ngày. Vì vậy, thương hiệu trà Momo Tea ra đời với các sản phẩm trà được làm thủ công hoàn toàn từ bản người Mông ở Tà Xùa là cách tôi muốn lan tỏa giá trị đặc biệt của trà Việt đến với mọi người” – anh Momo Phạm chia sẻ thêm.
Khác với anh Momo Phạm, chị Phùng Ngọc Ngà (SN 1983), phường Cao Xanh, TP Hạ Long lại có duyên với trà Trung Quốc từ công việc kinh doanh du lịch, thường xuyên làm việc với các đối tác người Trung Quốc. Đến với trà, yêu thích uống trà, thậm chí sưu tầm các loại ấm, chén trà với chị Ngà không chỉ là một thú vui, hình thành thói quen sống tốt cho sức khỏe từ việc uống trà hằng ngày mà còn là cách giúp chị hiểu hơn về phong tục, văn hóa mỗi vùng miền, địa phương, đất nước.
Chị Ngọc Ngà cho biết: Nếu như ở Việt Nam, việc uống trà thường gắn với hoạt động thư giãn, tịnh tâm bên câu chuyện về cuộc sống thì ở Trung Quốc, việc uống trà phổ biến hầu hết trong mỗi gia đình, họ uống trà thường xuyên khi trò chuyện, gặp gỡ giao lưu và cả khi bàn bạc công việc làm ăn. Nhiều người còn luôn chuẩn bị cho mình những bộ ấm trà mi ni xách theo bên mình để có thể uống bất cứ khi nào hoặc mời bạn bè. Các dụng cụ pha trà như ấm, chén… bày trên bàn trà cũng được đầu tư đẹp mắt, mỗi loại trà lại dùng một loại ấm pha bằng chất liệu khác nhau để trà đạt được hương vị ngon nhất.
Song dù là văn hóa trà Việt Nam hay Trung Quốc thì điểm chung vẫn là sự tinh tế, thư thái, thanh tịnh trong từng bước pha trà, cách thưởng trà, uống trà. Đặc biệt, cách thưởng thức trà cũng chính là nghệ thuật cân bằng cuộc sống “tịnh tâm”, giúp mỗi người rèn luyện được tính kiên nhẫn, bình tĩnh bởi việc uống trà thì không thể nóng vội.
Không chỉ mang những giá trị văn hóa, trà còn được chứng minh là tốt cho sức khỏe, tim mạch… Vì vậy, với nhiều người trẻ hiện nay, việc tìm về với văn hóa thưởng trà là cách giúp mỗi người cân bằng lại cuộc sống, hình thành một thú vui vừa lành mạnh vừa tốt cho sức khỏe và tinh thần. Nhâm nhi từng chút một để cảm nhận mùi hương, vị ngon của trà, hàn huyên đôi ba câu chuyện, lắng nghe và học hỏi, cũng là cách mỗi người trẻ góp phần lan tỏa, vun đắp những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.