Đến cuối năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản đạt các nội dung theo Bộ tiêu chí quốc gia tỉnh, thành phố, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Góp phần vào thành công có sự đóng góp tích cực của các hợp tác xã (HTX).
Ưu thế của các HTX là các thành viên liên kết chặt chẽ trong sản xuất, giúp nhau về kiến thức, kinh nghiệm, nguồn vốn. Nhiều HTX xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất, chú trọng phát triển và huy động nguồn vốn góp của thành viên. Thông qua các HTX đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị, thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng NTM.
Với 6.000km2 mặt biển và 250km đường bờ biển, Quảng Ninh có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản (NTTS), nhất là nuôi biển. Người dân vùng ven biển Quảng Ninh quen nghề khai thác, NTTS, hằng năm tạo ra sản lượng thủy sản lớn. Xác định đời sống gắn với biển lâu dài, từ khá sớm, một số nông dân xã Hạ Long (huyện Vân Đồn) đã kết nối, thành lập HTX NTTS Phất Cờ.
Trong quá trình sản xuất, thành viên HTX góp tư liệu sản xuất, là vùng diện tích mặt nước được giao để NTTS, góp vốn để nhập giống, thức ăn cho vật nuôi, góp ngày công lao động. Nhờ đó HTX đạt hiệu quả cao trong sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống xã viên. HTX hiện đạt hiệu quả cao về nuôi nhuyễn thể, cá biển, rong biển các loại. Đây là HTX điển hình về việc sử dụng vật liệu nổi chuẩn HDPE trong NTTS trên biển, điển hình trong tổ chức NTTS kết kợp với du lịch. NTTS gắn với du lịch của Phất Cờ ngày càng phù hợp với chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà tỉnh đã đề ra.
HTX NTTS Bình Kiên (xã Tiền Phong, TX Quảng Yên) do anh Phạm Văn Bình là Giám đốc, thành lập năm 2023. Anh Bình đã kết nối với 6 chủ đầm để hợp tác sản xuất. Hiện HTX có hơn 10ha ao đầm nuôi thả tôm sú, cua biển, cá và hàu cửa sông. Công nghệ nuôi thiên về tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên ở các vùng cửa sông biển, bổ sung một lượng nhỏ thức ăn tươi hoặc thức ăn công nghiệp, qua đó đảm bảo chất lượng sản phẩm. Vào mỗi vụ thả nuôi hoặc thu hoạch, các thành viên HTX cung ứng một số dịch vụ vật tư NTTS và bao tiêu sản phẩm thuỷ sản trong vùng. Hướng phát triển này đã và đang mang lại lợi thế phát triển cho HTX.
TX Đông Triều hiện tập trung số lượng lớn các HTX. Ưu điểm của Đông Triều là hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất đã được đầu tư đồng bộ, đặc biệt trình độ canh tác của nông dân được nâng cao, hình thành thói quen sản xuất theo chuỗi, hướng đến những nông sản địa phương có thế mạnh, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Dương triển khai các mô hình sản xuất ớt Hàn Quốc, ngô ngọt, nuôi cá, nuôi ếch, nuôi lươn trong bể bạt không bùn. Đây là mô hình HTX được HND TX Đông Triều đặt nhiều kỳ vọng bởi sự năng động của mỗi xã viên, đã chủ động, sáng tạo trong các mô hình sản xuất, nhất là tiếp cận và ứng dựng công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Mô hình nuôi lươn trong bể bạt không bùn là kỹ thuật nuôi lươn sạch, đảm bảo an toàn sinh học. Người nuôi chủ động tạo các giá thể để lươn trú ngụ, tự động thay nước theo lập trình, đảm bảo môi trường sống của lươn luôn sạch sẽ. Nguồn thức ăn của lươn là dạng viên nén nổi, đảm bảo về dinh dưỡng và liều lượng, tránh tình trạng thức ăn dư thừa. Từ quy trình này, con lươn phát triển khoẻ mạnh, sản phẩm lươn thương phẩm của HTX chất lượng thịt thơm ngon, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Toàn tỉnh hiện có trên 650 HTX, phần lớn ở các vùng nông thôn. Các HTX đã góp phần tích cực xây dựng NTM nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP, đẩy mạnh dịch chuyển cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.