Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm quản lý, khai thác hiệu quả các dữ liệu, tối ưu hóa chất lượng trải nghiệm cho du khách là yếu tố quan trọng nâng cao giá trị điểm đến, tăng hiệu quả quảng bá, giới thiệu du lịch của từng địa phương cũng như cả nước.
Tiện ích thấy rõ
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và quảng bá, cung cấp các sản phẩm du lịch, dịch vụ đang mang lại cho các cơ quan chuyên môn, du khách, doanh nghiệp nhiều tiện ích. Khách hàng có thể lên các trang thông tin điện tử, ứng dụng trực tuyến tìm hiểu, chọn điểm đến, đặt vé máy bay, phòng lưu trú, thanh toán trực tuyến và đánh giá dịch vụ sau trải nghiệm… Cũng trên môi trường số, tại điểm đến, du khách thuận lợi hơn trong tìm hiểu, trải nghiệm qua hệ thống thống thuyết minh tự động hoặc quét mã QR code để có thông tin đầy đủ về điểm đến.
Trong xu thế chung, ngành du lịch nhiều địa phương tích cực thực hiện chuyển đổi số, từng bước xây dựng hệ thông tin số về du lịch, triển khai phần mềm tiện ích du lịch thông minh, tổ chức các ki-ốt du lịch hỗ trợ khách, cập nhật dữ liệu của ngành trên hệ thống chỉ đạo điều hành chung của chính quyền địa phương…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng thông tin: tỉnh xác định du lịch là một thế mạnh, cần ưu tiên thực hiện chuyển đổi số nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu ngành du lịch, phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh, tạo môi trường để các doanh nghiệp, du khách có thể chia sẻ, liên kết cung cấp và tiếp cận các dịch vụ ngày càng đa dạng, bảo đảm chất lượng.
Từ tháng 4/2022, tỉnh đưa vào sử dụng Cổng Thông tin du lịch thông minh Bình Thuận (sử dụng được trên cả nền web, ứng dụng di động) với tên App là Binh Thuan Tourism). Cổng Thông tin du lịch thông minh tích hợp các cơ sở dữ liệu ngành du lịch và bản đồ số du lịch Bình Thuận, giúp du khách chủ động hơn khi lên lịch trình, tìm kiếm địa điểm lưu trú, ẩm thực… Đến nay, Cổng thông tin du lịch thông minh Bình Thuận có hàng trăm tin bài giới thiệu các sự kiện văn hóa, thương mại du lịch, thể thao của tỉnh, cập nhật dữ liệu của trên 500 doanh nghiệp lưu trú, điểm mua sắm, tham quan, vui chơi, giải trí, công viên lữ hành, thu hút trên 10,5 triệu lượt truy cập. Đồng thời, Bình Thuận còn triển khai công nghệ thực tế ảo VR360 để giới thiệu các điểm tham quan tiêu biểu như: di tích Trường Dục Thanh, Tháp Pô Sah Inư, dinh Vạn Thủy Tú… tạo ấn tượng, thu hút du khách.
Ngoài lợi thế về sản phẩm du lịch, hạ tầng giao thông, nhất là sau khi hai tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, Vĩnh Hảo – Phan Thiết nối Bình Thuận với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận được đưa vào hoạt động, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, truyền thông về du lịch trên các nền tảng số, cung cấp các tiện ích, thông tin cho du khách đang góp phần phát triển kinh tế du lịch Bình Thuận.
Theo Cục Thống kê Bình Thuận, 6 tháng đầu năm 2024, du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh đạt 4,58 triệu lượt (tăng 5,01% so cùng kỳ 2023). Tính riêng trong tháng 6, tháng cao điểm du lịch hè, Bình Thuận đã đón trên 856 ngàn lượt du khách, doanh thu gần 519 tỷ đồng.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những địa phương tích cực chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực là Đồng Tháp. Tỉnh thực hiện Đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch Đồng Tháp trở thành ngành kinh tế quan trọng, giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện nền tảng ứng dụng công nghệ hiện có phục vụ du khách, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục hoàn thiện Cổng Thông tin du lịch đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch…; tích hợp các ứng dụng tiện ích hỗ trợ du khách cùng các chủ thể liên quan hoạt động du lịch.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp: đơn vị đang vận hành hiệu quả Cổng thông tin Du lịch và ứng dụng du lịch thông minh tại địa chỉ: https://dulich.dongthap.gov.vn, cung cấp thông tin về các điểm, sản phẩm và dịch vụ trên địa bàn. Đồng thời, tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi thông tin khách du lịch; thực hiện việc thống kê, báo cáo phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch. Ở nhiều điểm đến như Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Khu Văn hóa Phương Nam, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, Làng hoa Sa Đéc, công nghệ thực tế ảo (VR) đã được sử dụng, giúp du khách thuận lợi tìm hiểu, khám phá các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, khu du lịch, nâng cao giá trị điểm đến
Tăng hiệu quả quảng bá
Theo Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh là xu thế tất yếu và là một trong những định hướng ưu tiên của du lịch toàn cầu. Không nằm ngoài xu thế, du lịch Việt Nam đang tiếp cận nhanh chóng với công nghệ để phát triển du lịch số, du lịch thông minh, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, nâng cao hiệu quả quảng bá, phát triển du lịch bền vững.
Tỉnh Bình Dương ở khu vực Đông Nam Bộ, bên cạnh thế mạnh về phát triển công nghiệp, những năm gần đây còn được du khách biết đến với các sản phẩm du lịch thể thao golf, làng nghề, tham quan tìm kiếm cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư. Ngành Du lịch tỉnh tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng số trong hoạt động phát triển du lịch, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Trang thông tin điện tử dulichbinhduong.org.vn thường xuyên được cập nhật thông tin và cải tiến các ứng dụng.
Cùng với đó, phần mềm ứng dụng (App) du lịch Bình Dương được đưa vào khai thác đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch Bình Dương cho du khách. Ngoài tính năng tra cứu thông tin điểm đến, khách sạn, nhà hàng, địa điểm ăn uống, các chương trình vui chơi giải trí, các chương trình khuyến mãi… phần mềm ứng dụng này còn cung cấp các tính năng đặt dịch vụ (phòng, tour) trực tuyến cho người dùng, cung cấp qua hai nền tảng hệ điều hành IOS và android.
Đưa vào khai thác từ tháng 8/2022 đến nay, ứng dụng du lịch Bình Dương thu hút trên 3 triệu lượt khách truy cập, trong đó có các lượt truy cập đến từ nhiều quốc gia như: Hà Lan, Mỹ, Singapore, Đan Mạch. Ngoài ra, hình ảnh du lịch Bình Dương được giới thiệu, quảng bá đến du khách qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Fanpage, Tiktok, Youtube… tạo sự lan tỏa lớn, thu hút du khách với thông điệp “Du lịch Bình Dương – Trải nghiệm và cảm nhận”.
Với thành phố Cần Thơ – trung tâm du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động chuyển đổi số trong quảng bá du lịch được tăng cường với việc quản lý, vận hành và nâng cấp Cổng thông tin điện tử du lịch thành phố Cần Thơ, “chạy” trên 3 ngôn ngữ Việt – Anh – Nhật. Cổng thông tin điện tử du lịch Cần Thơ còn được kết nối với hơn 50 cổng thông tin điện tử ở các vùng trọng điểm về du lịch, tăng hiệu quả quảng bá du lịch Cần Thơ và các địa phương.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện, hầu hết các doanh nghiệp liên quan đến du lịch trên địa bàn thành phố đã ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số ở nhiều mức độ. Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang web, số hóa dữ liệu, kinh doanh trên nền tảng số. Một số nhà vườn, điểm du lịch cộng đồng xây dựng hình ảnh, clip ngắn, quảng bá sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội, góp phần giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc thù địa phương. Trong 6 tháng đầu năm nay, lượng du khách đến Cần Thơ đạt hơn 3,7 triệu lượt. Thành phố đặt mục tiêu cả năm 2024 thu hút 6,1 triệu lượt du khách, tổng doanh thu từ du lịch khoảng 6.000 tỷ đồng. Tăng cường chuyển đổi số trong quảng bá, tạo nhiều tiện ích cho du khách khi đến trải nghiệm là một trong các giải pháp thành phố thực hiện để đạt mục tiêu đề ra trong phát triển du lịch năm 2024 và các năm tiếp theo.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận: là điểm đến có sức hút đặc biệt ở duyên hải Nam Trung Bộ, ngoài cổng thông tin du lịch thông minh, ngành du lịch Bình Thuận đẩy mạnh truyền thông về du lịch trên môi trường internet thông qua trang thông tin điện tử và fanpage trên facebook do Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Thuận vận hành, trên chuyên trang về du lịch của Báo Bình Thuận điện tử.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, UBND tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị, đề xuất Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục xây dựng, phát triển hoàn thiện các nền tảng số quốc gia trong lĩnh vực du lịch; trọng tâm là các nền tảng số quốc gia phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch để các tỉnh, thành phố sử dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ chuyển đổi số đạt kết quả cho các Khu du lịch quốc gia, trong đó có Khu du lịch Quốc gia Mũi Né (Bình Thuận) với các nội dung ưu tiên như: phát triển hạ tầng số (mạng 5G), các thiết bị IoT (cảm biến thu thập, phân tích chất lượng không khí, nguồn nước), nền tảng số quản trị khu du lịch quốc gia thông minh.