Nghề dệt thổ cẩm đã có từ rất lâu đời ở Việt Nam, là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc S’tiêng ở Bình Phước. Tuy nhiên hiện nay, nghề dệt thổ cẩm đang đối diện với nguy cơ mai một. Để gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc, nhiều phụ nữ S’tiêng đã không quản khó khăn, tìm cách duy trì và phát huy nghề dệt thổ cẩm, với mong muốn lưu truyền để thế hệ con cháu tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Những tấm thổ cẩm do Chi hội nghề dệt thổ cẩm xã Quang Minh, TX. Chơn Thành dệt đã được nhiều nhà thiết kế (NKT) ưu tiên lựa chọn để thiết kế những mẫu thời trang mới mang tính đặc trưng. Là người đã thiết kế 2 chiếc áo dài thổ cẩm, anh Việt Hùng (TP. Hồ Chí Minh) đã dành rất nhiều lời khen tặng thổ cẩm Bình Phước và đánh giá cao giá trị di sản văn hóa này.
Cách tân thổ cẩm
Những chiếc áo dài thổ cẩm được may từ những tấm vải của Chi hội nghề dệt thổ cẩm xã Quang Minh dệt được NTK Việt Hùng thiết kế, kết hợp một số chất liệu vải khác để giúp người mặc thoải mái và di chuyển linh hoạt hơn. Đặc biệt, những họa tiết thổ cẩm được phối với hình ảnh hoa sen và cây tre Việt Nam giúp trang phục trở nên bắt mắt hơn.
Theo đánh giá, sản phẩm thổ cẩm của người S’tiêng Bình Phước đẹp, đậm đà bản sắc, có giá trị cao nhưng vẫn bị mai một, bởi còn thô sơ và chưa phù hợp các không gian sự kiện văn phòng, hội họp, vui chơi, giải trí hiện đại nên chưa đáp ứng nhu cầu thị trường và cuộc sống hiện đại. Mặt khác, việc phụ nữ S’tiêng dệt thổ cẩm theo lối cũ, với các mẫu váy, áo, khăn, khố… dẫn đến các sản phẩm thổ cẩm rất kén khách lẫn người sử dụng, kể cả người S’tiêng. Do đó, ngoài các sản phẩm thời trang, nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng ở Bình Phước cần đa dạng sản phẩm như khăn trải bàn, túi, ví… để đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện đại.
Ngoài ra, nhiều khách hàng thích dùng sản phẩm thổ cẩm để trang trí nội thất. Đây là cơ hội để vừa tiêu thụ vừa quảng bá sản phẩm thổ cẩm. Một trong những phương pháp thương mại hóa hiệu quả chính là nâng cấp các sản phẩm thổ cẩm mang tính ứng dụng cao hơn như: trang trí nội thất, làm sofa… Có thể tìm đầu ra cho thổ cẩm thông qua sự kết nối với cộng đồng các NTK thời trang để tạo nên những bộ trang phục thổ cẩm xuất hiện rạng rỡ trên sàn catwalk và cả trong cuộc sống hằng ngày.
Đưa thổ cẩm vào đời sống
Là người con của dân tộc S’tiêng, chị Drênh Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Minh luôn yêu thích và có niềm đam mê với những tấm vải thổ cẩm do đồng bào mình dệt nên. Gắn bó với nghề truyền thống dệt thổ cẩm từ bé, được các bà, các mẹ truyền dạy và truyền cảm hứng, chị Hạnh càng hiểu hơn về giá trị của thổ cẩm. Để bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm, đưa thổ cẩm đi vào cuộc sống, chị Hạnh luôn chủ động sáng tạo những kiểu áo, váy phù hợp để mặc đi làm, đi tiệc. Chị Hạnh hiện có hơn 10 bộ váy, áo thổ cẩm rất hiện đại, có thể sử dụng làm trang phục hằng ngày.
Chị Nguyễn Quỳnh Vy ở TX. Chơn Thành cho biết: Mình thấy chị Hạnh mặc nhiều bộ trang phục thổ cẩm được thiết kế phù hợp phom dáng, vừa đặc trưng vừa rất “có hồn”. Đặc biệt, khi dự đám cưới con gái chị Hạnh vào năm 2023, mình rất ấn tượng với cô dâu, chú rể khi các bạn mặc trang phục truyền thống nhưng rất trẻ trung, phong cách độc, lạ.
Chính từ ý thức giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình, năm 2023, Chi hội nghề dệt thổ cẩm xã Quang Minh được thành lập. Chi hội hiện có hơn 10 thành viên, là các bà, các mẹ, chị em phụ nữ S’tiêng thạo nghề dệt thổ cẩm. Chị Thị Phương, Chi hội trưởng Chi hội cho biết: Mình được mẹ hướng dẫn dệt thổ cẩm từ nhỏ. Trước đây, mình hay dệt vải để bán cho người ta mua làm của, nhưng giờ ai đặt kiểu gì mình tìm cách dệt kiểu đó. Các chị em trong chi hội thường hướng dẫn nhau dệt hoa văn khó, chỉ nhau mua nguồn chỉ chất lượng, bảo ban nhau cùng giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc mình.
Để đưa thổ cẩm đi vào đời sống, chị Drênh Thị Hạnh, chị Thị Phương và nhiều phụ nữ S’tiêng ở xã Quang Minh còn sáng tạo những mẫu trang phục cách tân, phù hợp cuộc sống hiện nay, kết hợp thổ cẩm với các loại vải hoặc chất liệu khác để tạo ra chiếc áo dài, để lưu giữ những yếu tố truyền thống vừa phù hợp thẩm mỹ hiện đại. Các trang phục thổ cẩm được cách tân về phom dáng, phối kết tiện dụng cho người mặc, gần gũi hơn với số đông và bước đầu đã được nhiều chị em ưa thích.
Chị Tường Vân, du khách TP. Hồ Chí Minh đến dự lễ hội Phá bàu tại xã Quang Minh năm 2024 cho biết: “Mình thực sự rất ấn tượng với các trang phục thổ cẩm mà các bạn trẻ S’tiêng mặc trong lễ hội. Trang phục đẹp, hiện đại, cuốn hút và độc đáo. Từ đó mình càng cảm nhận rõ hơn về giá trị của thổ cẩm, không chỉ là sự kết tinh của công sức, tâm huyết mà còn là lòng tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc nơi đây”.