Nội dung chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XIV được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm khi mà nhiều vấn đề bức thiết trong cuộc sống được các đại biểu HĐND tỉnh đề cập và được các cấp, các ngành thẳng thắn nhìn nhận, trả lời trách nhiệm, với nhiều giải pháp hết sức tích cực được đưa ra.
Siết chặt quản lý PCCC và ma túy
Thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và phòng, chống ma túy được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm, tuy nhiên đứng trước những nguy cơ cao xảy ra cháy nổ và tình trạng buôn bán, sử dụng chất ma túy có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh đã thẳng thắn chất vấn lãnh đạo Công an tỉnh.
Về lĩnh vực PCCC, đã có 3 đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi chất vấn đối với đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh. Theo các đại biểu, tỉnh Quảng Ninh có tốc độ đô thị hóa cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Mặc dù đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở và đẩy mạnh tuyên truyền PCCC với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp nhằm nâng cao ý thức tự phòng, tự quản trong các cơ quan, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh vẫn để xảy ra 59 vụ cháy, chủ yếu là các vụ cháy nhỏ (giảm 28 vụ so với năm 2023).
Hiện nay, qua nắm tình hình, công tác PCCC tại các chung cư, chợ, cơ sở kinh doanh, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, tàu du lịch… có nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ, do vậy, các đại biểu HĐND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành cần phải có những giải pháp hết sức cụ thể để phòng ngừa, chủ động các biện pháp PCCC ngay tại cơ sở.
Trả lời chất vấn nội dung này, Đại tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh, khẳng định tới đây sẽ tổ chức các buổi trải nghiệm, thực hành chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại địa phương vào ngày nghỉ cuối tuần để nhân dân tiếp cận kiến thức, trải nghiệm, thực hành thực tế. Đồng thời, Công an tỉnh tham mưu, phối hợp củng cố kiện toàn tổ chức và phát huy hiệu quả hoạt động của các lực lượng PCCC tại chỗ; hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp thành lập, bố trí đủ lực lượng PCCC tại chỗ ở tất cả các ca, kíp làm việc và tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng này; đầu tư, mua sắm trang thiết bị về PCCC với phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường công tác kiểm tra, phúc tra xử lý vi phạm về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; phân công các tổ công tác thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp triển khai các giải pháp khắc phục các tồn tại, vi phạm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Cùng với đó là duy trì và phát huy có hiệu quả của các mô hình tự quản về công tác PCCC như: “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”, “Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC”, “Tàu du lịch tự quản an toàn PCCC”.
Về công tác phòng chống ma túy, đã có 5 đại biểu HĐND tỉnh chất vấn lãnh đạo Công an tỉnh và các cấp, các ngành. Nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay bên cạnh việc lợi dụng các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện như karaoke, club, pub, bar… để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì nay có xu hướng chuyển đến các địa điểm khác như chung cư, căn hộ cho thuê, condotel, nhà trọ, tàu nghỉ đêm; sử dụng trái phép chất ma túy trong lực lượng lao động tại địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế, các lán trại xây dựng; đặc biệt sử dụng các loại ma túy tổng hợp, ma túy pha trộn trong thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Công an tỉnh cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an nhân dân, an ninh cơ sở vừa được thành lập để nắm bắt tình hình, thường xuyên rà soát địa bàn dân cư, lán trại xây dựng, khu công nghiệp, chung cư; thường xuyên rà soát, kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, nhất là quản lý biên giới, quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như quán bar, vũ trường, karaoke, cơ sở kinh doanh lưu trú… quản lý người nước ngoài cư trú và hoạt động tại Quảng Ninh, quản lý các hoạt động dịch vụ văn hóa, giải trí, ngăn chặn không để phát sinh tệ nạn ma túy, không để tội phạm lợi dụng hoạt động.
Để làm rõ hơn về công tác phòng chống ma túy trong thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phân loại học sinh theo khối lớp để có biện pháp tuyên truyền phù hợp với tâm lý, lứa tuổi và tập trung vào nhóm học sinh yếu thế, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh trong vùng có nguy cơ cao, đặc biệt là học sinh sống trong gia đình có người nghiện ma túy.
Trước vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm đến tình trạng thanh thiếu niên hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử, bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền trong học đường về tác hại của thuốc lá điện tử; các lực lượng công an, biên phòng, quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt phải ngăn chặn ngay tại biên giới không để thẩm lậu vào địa bàn.
Tháo gỡ “điểm nghẽn” về hỗ trợ vốn sản xuất
Nghị quyết số 185/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh đã phân bổ 300 tỷ đồng nguồn vốn phát triển sản xuất thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho 9 địa phương. Theo nhiều đại biểu, đến nay nguồn vốn hỗ trợ này chưa được giải ngân triệt để, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Đây là nội dung được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm, đặc biệt là tại các địa phương miền núi, biên giới, hải đảo, đồng bào DTTS của tỉnh.
Giải trình làm rõ nội dung này, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: UBND tỉnh đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, do vướng mắc về thể chế, cơ chế chính sách, việc tổ chức thực hiện còn yếu nên việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chưa đạt được như kỳ vọng đề ra.
Nguyên nhân được chỉ ra là do quy hoạch phát triển vùng sản xuất tập trung và người đứng đầu chuỗi liên kết sản xuất; điều kiện của các nhóm hộ, HTX đăng ký thực hiện các dự án theo từng Chương trình MTQG không đáp ứng được tỷ lệ tối thiểu; trong đó, người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 50% để thực hiện theo chương trình MTQG giảm nghèo và địa điểm sản xuất cũng không thuộc địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn nên cũng không đủ điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất theo chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Từ đó, tính đến hết tháng 6/2024, tổng kinh phí được giải ngân mới đạt trên 35 tỷ đồng (huyện Đầm Hà trên 28 tỷ đồng; huyện Ba Chẽ trên 5 tỷ đồng; huyện Bình Liêu 1,2 tỷ đồng; huyện Tiên Yên 96 triệu đồng). Các địa phương khác chưa có đề xuất sử dụng được đề nghị thu hồi về ngân sách với tổng kinh phí thu hồi là 264,638 tỷ đồng.
Trước thực trạng đặt ra đối với nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất giải ngân còn chậm, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát lại quá trình triển khai các chủ trương của tỉnh, của Trung ương, nhất là việc thực thi các chính sách, các quy định thời gian qua để làm rõ các bất cập khách quan, chủ quan trong quá trình tổ chức thực hiện. Qua đó, rút kinh nghiệm lập dự toán trong năm tiếp theo. Có đánh giá hiệu quả vốn, hiệu quả thực hiện ngân sách, đảm bảo nguồn vốn triển khai đến với bà con nhân dân, đến với đối tượng thụ hưởng chính sách có năng lực sản xuất mới, đời sống vật chất tốt hơn. Đối với nguồn vốn của năm 2024, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh, HĐND tỉnh sẽ xem xét đề nghị Ngân hàng CSXH có kế hoạch cụ thể cùng các địa phương nhanh chóng triển khai nguồn vốn này đến người dân có nhu cầu tập trung cho phát triển sản xuất.
Các sở, ban, ngành và UBND các địa phương cần tiếp tục rà soát, tập trung tháo gỡ những tồn tại khó khăn, hướng dẫn sâu sát đối với người dân trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong xây dựng dự án chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, Đề án phát triển sản xuất cây ăn quả tập trung tại các địa phương. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là không được phép “bỏ rơi” người dân trong triển khai phát triển sản xuất; đồng thời phải tập trung nghiên cứu, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất có giá trị cao.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh: Cùng một cơ chế, chính sách nhưng có địa phương giải ngân tốt, có địa phương lại khó giải ngân, phải chăng có sự thiếu trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của cấp dưới. Từ đó, đồng chí yêu cầu các địa phương phải nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đúng mục tiêu, mục đích của chương trình, đề phòng tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, lợi ích nhóm; trong quá trình triển khai các địa phương thụ hưởng cần thực hiện một cách khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Sau nửa ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy trách nhiệm, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khoá XIV đã thành công tốt đẹp, nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của các đại biểu HĐND tỉnh và cử tri, nhân dân.