Thực hiện nhiệm vụ năm 2024 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, với tinh thần chủ động, đổi mới, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực. Nhờ đó kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh tiếp tục giữ vững đà phát triển với nhiều kết quả ấn tượng.
Ngay từ đầu năm, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo triển khai nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng 2 con số. Trong đó tập trung cụ thể hóa nhiệm vụ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (ngày 5/1/2024) của Chính phủ; Nghị quyết số 20-NQ/TU (ngày 27/22/2023) của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 176/NQ-HĐND (ngày 8/12/2023) của HĐND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội và chủ đề công tác năm “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.
Tỉnh chỉ đạo xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024, phấn đấu GRDP đạt 10,9%, tổng thu NSNN đạt trên 55.600 tỷ đồng. Để thúc đẩy các ngành có dư địa phát triển, tỉnh chỉ đạo triển khai mạnh mẽ công nghiệp chế biến, chế tạo, trọng tâm là thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới vào các KCN, KKT, nhất là KKT ven biển Quảng Yên. Trong đó ưu tiên dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, đóng góp lớn cho ngân sách.
Tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho ngành Điện, Than và tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển hợp lý, bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia theo quy hoạch. Để giải quyết bài toán về thiếu vật liệu san lấp, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các sở, địa phương liên quan. Từ đầu năm tỉnh thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng; trong đó thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên tổ công tác, lấy kết quả thực hiện giải ngân đầu tư công là một căn cứ quan trọng trong xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024. Nhờ vậy đến giữa tháng 4/2024, các sở, ngành, địa phương đã tham mưu giải quyết cấp phép khai thác khoáng sản cho 13 mỏ, tổng trữ lượng khoảng 55 triệu m3, đáp ứng cơ bản nhu cầu cho các dự án trên địa bàn tỉnh.
Nhằm khai thác hiệu quả lĩnh vực dịch vụ, du lịch, đóng góp mạnh cho tăng trưởng kinh tế, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu thu hút 17 triệu lượt du khách trong năm 2024, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế. Từ đầu năm tỉnh chỉ đạo thu hút mạnh du khách tâm linh, văn hóa trong mùa lễ hội và phát triển mạnh du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, gắn với phát huy giá trị các di sản, di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh. Nhiều chương trình, sự kiện sôi nổi đã diễn ra, thu hút du khách đến Quảng Ninh, điển hình: Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race mùa giải 2023-2024 đến Hạ Long; Triển lãm giới thiệu máy bay của Tập đoàn COMAC tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Carnaval Hạ Long 2024; chuỗi các sự kiện, hoạt động du lịch trên địa bàn, nhất là dịp 30/4, 1/5 và hè 2024…
Tỉnh chỉ đạo siết chặt về kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách. Đặc biệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với khối lượng thực hiện, chất lượng công trình. Theo đó, tỉnh thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024; qua đó dần tháo gỡ khó khăn trong thực hiện kế hoạch đầu tư công liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư, xử lý tài sản công, vị trí đổ thải, GPMB, mỏ đất, mỏ cát, vận chuyển vật liệu san lấp…
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tăng cường thực địa, kiểm tra hiện trường, đôn đốc chủ đầu tư tập trung nhân lực, máy móc thiết bị tổ chức thi công khẩn trương dự án: Đường ven sông kết nối với đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều; đường tỉnh 342; đường Cầu Rừng; các dự án lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông nông thôn, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội…
Với sự sát sao và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng. GRDP ước tăng 9,02%, xếp thứ 4 vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 8 các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 23,05%, cao hơn 10,3% so với cùng kỳ 2023. Một số nhà máy, dự án đi vào sản xuất, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, như: Sản xuất tấm sàn BBL, HOME; sản xuất sợi Khánh Nghiệp; sản xuất túi chườm nóng, lạnh và miếng dán điện cực tim cao cấp…
Đáng chú ý, với nhiều giải pháp linh hoạt đã mang đến trải nghiệm du lịch 4 mùa với nhiều sản phẩm có giá trị khác biệt, du lịch Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, du lịch huyện đảo Cô Tô…; xây dựng 62 sản phẩm du lịch mới, như: Tổ hợp vui chơi giải trí ngọn Hải Đăng; dịch vụ du thuyền đẳng cấp; vận hành kết nối Vịnh Hạ Long – Vịnh Bái Tử Long tour “Hành trình di sản”… Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh 6 tháng đầu năm nay ước đạt trên 10,4 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 2 triệu lượt, tổng doanh thu du lịch ước đạt 22.285 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ 2023. Quảng Ninh đã đón 40 chuyến khách du lịch tàu biển, với khoảng 50.000 lượt khách. Tổng thu ngân sách của tỉnh 6 tháng ước đạt 30.774 tỷ đồng, bằng 106% cùng kỳ 2023.
Đặc biệt, Quảng Ninh có 7 năm liên tiếp giữa vị trí quán quân PCI (2017-2023); 6 năm dẫn đầu Chỉ số PAR Index; 11 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Đây là chỉ số đánh giá toàn diện, khách quan, đa chiều, góp phần xây dựng nền hành chính kiến tạo, phục vụ nhân dân; thể hiện niềm tin của doanh nghiệp, nhân dân với Đảng bộ, chính quyền tỉnh; là nguồn sức mạnh to lớn để Quảng Ninh tiếp tục vượt lên khó khăn, hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững.