Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường. Đây cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng để tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Triển khai nghiêm túc lộ trình 2 bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường và vật liệu làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn, thời gian qua cả hệ thống chính trị ở các địa phương ven biển trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thay thế phao xốp bằng phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Đến nay, toàn tỉnh có gần 10 triệu quả phao xốp được thay thế; nhiều mô hình nuôi biển theo hướng bền vững, công nghệ cao đã được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với đó, tỉnh cũng có nhiều giải pháp cụ thể bảo vệ nghiêm ngặt môi trường, đa dạng sinh học, các giá trị tài nguyên thiên nhiên của các khu vực có giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học trên biển, như: Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Bái Tử Long – Vườn Di sản ASEAN, Khu bảo tồn biển Cô Tô – Đảo Trần, Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui (huyện Tiên Yên). Việc cá voi, cá heo nhiều lần xuất hiện trở lại trên các vùng biển của Quảng Ninh chính là minh chứng về chất lượng môi trường biển ở địa phương đang được cải thiện, nâng lên rõ rệt.
Thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 10-NQ/TU là giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 55% đến năm 2025, trên 50% đến năm 2030 và nâng cao chất lượng rừng, tỉnh có nhiều chính sách nhằm khuyến khích người dân phát triển diện tích rừng gỗ lớn. Giai đoạn 2020-2023, diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh đạt trên 52.000ha, trong đó diện tích lim, giổi, lát đã trồng trong 3 năm là trên 3.500ha. Đến hết năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 55%, cao hơn mức trung bình của cả nước, chất lượng rừng được cải thiện, tăng tỷ lệ rừng gỗ lớn. Quảng Ninh duy trì diện tích rừng ngập mặn đứng đầu khu vực phía Bắc.
Trong phát triển kinh tế, với quan điểm không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi công bằng, tiến bộ xã hội và môi trường để “chạy theo” tăng trưởng kinh tế đơn thuần, từ năm 2020 đến nay Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng tất cả các dự án FDI thu hút mới đều là những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đồng thời, tỉnh cũng thực hiện chủ trương không cấp phép mở rộng, gia hạn thời gian sử dụng đất đối với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Không khuyến khích thu hút các dự án sử dụng đất có quy mô lớn, suất đầu tư nhỏ, giá trị gia tăng thấp, công nghệ lạc hậu, thâm dụng năng lượng, nước, lao động…
Không chỉ chọn lựa những dự án FDI công nghệ cao, Quảng Ninh cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN. Đến nay, 7/7 KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều đã đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung theo đúng quy định. Quảng Ninh cũng yêu cầu tất cả chủ đầu tư hạ tầng các KCN lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, đảm bảo truyền dữ liệu 24/24h về Sở TN&MT. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường kiểm tra đối với công tác bảo vệ môi trường tại các KCN trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hữu Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà, cho biết: Là địa phương có nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp quy mô lớn, huyện luôn đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. UBND huyện đã thành lập tổ công tác chuyên trách giám sát công tác bảo vệ môi trường, thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện những quy định về môi trường tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Cảng biển Hải Hà.
Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các định hướng được xác định tại Nghị quyết 10-NQ/TU, Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia với Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 đứng đầu toàn quốc.
Những kết quả đã đạt được là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh hoàn thành toàn diện các mục tiêu đã đặt ra, phấn đấu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường; chủ động và tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu, hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải, các-bon thấp; góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.