Dự báo, tổng doanh thu thương mại điện tử bán lẻ hàng hoá cả năm 2024 có thể tăng lên gần 30 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 14% tổng mức bán lẻ hàng hoá của cả nước.
Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 11,3% của cùng kỳ năm 2023, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,8%). Đây là mức tăng tương đối thấp so với 2 năm 2022, 2023 và so với những năm trước đại dịch Covid-19.
Trong đó, đóng góp chủ yếu là nhờ doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và lữ hành tăng cao khi thu hút khách quốc tế tăng mạnh, tăng lần lượt 15,2% và 37,1%. Trong khi đó, tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá nhìn chung vẫn còn tăng thấp, 6 tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, dù kinh tế hồi phục tốc độ tăng trưởng nhưng sức mua hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng nhìn chung vẫn yếu.
Đáng chú ý, trong bức tranh bán lẻ chung, thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng rất mạnh. Ông Nguyễn Quốc Lân – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) – cho hay, theo thống kê của nền tảng số liệu thương mại điện tử (Metric), trong quý II/2024 ước tổng doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam đạt khoảng 85 nghìn tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu trên 5 sàn ước đạt 156 nghìn tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2023.
Trước đó, trong quý I/2024 doanh thu bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đạt 71,2 nghìn tỉ đồng (chưa bao gồm doanh thu từ các phiên livestream), tăng 78,6 % so với quí I/2023. Con số tăng trưởng này cũng vượt xa so với dự báo doanh thu thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 sẽ chỉ tăng khoảng 35% so với năm 2023. Trong đó, nền tảng Shopee tiếp tục dẫn đầu với 53,74 nghìn tỷ đồng, đạt 67,9% thị phần. Xếp thứ hai là TikTok Shop với 18,36 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần. Lazada và Tiki lần lượt đạt 6,03 nghìn tỷ đồng (chiếm 7,6% thị phần) và 997,06 tỷ đồng (chiếm 1,3%).
Thương mại điện tử bán lẻ sẽ tiếp duy trì đà tăng trưởng
Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022, đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Trong đó, doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop đạt 232.134 tỉ đồng, tăng 52,3% so với năm 2022.
Theo ông Nguyễn Quốc Lân, thị trường nội địa trong nửa cuối năm được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến tích cực khi đà phục hồi tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì, các nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định.
Đối với tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ trong nước, dù tăng trưởng kinh tế có thể sẽ cao hơn nhưng nhìn chung vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt sức mua tiêu dùng trong nước vẫn yếu khi mà các kênh tạo thu nhập vẫn còn khó khăn. Ngoài ra, tăng trưởng chậm lại từ doanh thu lĩnh vực du lịch cũng sẽ khiến tốc độ tăng tổng mức lưu chuyển bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nửa cuối năm sẽ khó tăng thêm nhiều.
Riêng thương mại điện tử bán lẻ sẽ tiếp duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy vậy, việc thắt chặt quản lý thuế của cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến các hoạt động thương mại điện tử cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đà tăng trưởng của thương mại điện tử bán lẻ. “Dự báo, tổng doanh thu thương mại điện tử bán lẻ hàng hoá cả năm 2024 có thể tăng khoảng 45% so với năm 2023, lên gần 30 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 14% tổng mức bán lẻ hàng hoá của cả nước, tăng mạnh so với tỷ trọng trên 10% trong năm 2023”, ông Nguyễn Quốc Lân cho biết.
Trước đó, báo cáo mới nhất về hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam của NielsenIQ Việt Nam cho hay, người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023. Cụ thể, trung bình mỗi người dân mua hàng trực tuyến gần 4 lượt mỗi tháng, và dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để mua sắm online. Con số này cao gần gấp đôi so với tần suất đi siêu thị hàng tháng của người Việt Nam.
Nhóm 3 mặt hàng được mua nhiều nhất là thực phẩm, đồ uống và mỹ phẩm. Tiếp đến là các mặt hàng thời trang – thể thao, chăm sóc nhà cửa và công nghệ, mẹ và bé, dịch vụ số như đăng ký dịch vụ, đặt phòng online, vận chuyển hàng hóa… Như vậy, thói quen này đã được thay đổi, bởi trước đây người dùng chỉ sử dụng thương mại điện tử cho các mặt hàng không thiết yếu như đồ điện tử, gia dụng và thời trang. Hiện nay, người Việt đã đi chợ mạng thường xuyên hơn để mua sắm các nhu yếu phẩm hàng ngày.
Đáng chú ý, giá rẻ không còn là lý do lớn nhất quyết định hành vi mua sắm online. Hai lý do được nhiều người quan tâm nhất là mua để dự trữ tiêu dùng cho gia đình (25%) và phục vụ ăn uống tức thì (21%).
“Những con số trên cho thấy mua sắm trực tuyến đã trở thành hoạt động phổ thông, và việc mua sắm các mặt hàng thiết yếu cũng trở nên phổ biến. Chính vì thế, thương mại điện tử cần sớm tìm động lực tăng trưởng mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay”, NielsenIQ nhận định.