Mặc dù trong 6 tháng đầu năm nay, điều kiện sản xuất của Công ty CP Than Mông Dương gặp nhiều khó khăn, song phát huy tinh thần đoàn kết của công nhân, cán bộ, cùng những giải pháp linh hoạt, chủ động trong điều hành sản xuất đã giúp đơn vị vượt khó, hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển chung của TKV.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công ty CP Than Mông Dương phải thực hiện chuyển diện lò chợ 9 lần, trong đó có lò chợ cơ giới hóa làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch sản lượng. Đối với các phân xưởng đào lò nhiều gương gặp phay, vùng không vỉa nên phải dừng đào lò để tiến hành khoan thăm dò vỉa, khoan tháo nước…
Để khắc phục khó khăn, vướng mắc, công tác kiểm tra hiện trường sản xuất được Công ty CP Than Mông Dương tăng cường với mật độ dày, qua đó kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh, đặc biệt là chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác mở vỉa chuẩn bị diện; thực hiện các công đoạn khấu chống, ra than và chuyển diện nhịp nhàng, đảm bảo sẵn sàng vật tư, thiết bị; tăng cường kỷ luật điều hành.
Ông Thân Văn Tiệp, Trưởng Phòng Điều khiển sản xuất, Công ty CP Than Mông Dương, cho biết: Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo công ty, cùng sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân, đã giúp công ty đảm bảo tiến độ chuyển diện các lò chợ, đồng thời duy trì cao nhịp độ ra than. Trung bình mỗi ngày, Công ty sản xuất được trên 7.000 tấn than, tăng 34% so với kế hoạch đề ra.
Để đẩy mạnh sản xuất, ngay từ những tháng đầu năm, Công ty CP Than Mông Dương cũng đã phát động các phong trào thi đua trong lao động sản xuất tới tất cả các phòng ban, phân xưởng. Trong đó, yêu cầu các đơn vị tích cực đảm bảo an toàn lao động, huy động tối đa nhân lực, thi đua tiết kiệm chi phí khoán, đạt năng suất, sản lượng cao. Đặc biệt đã tăng cường nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, tích cực ứng dụng các thiết bị cơ giới hóa vào sản xuất. Tiêu biểu như rà soát, đưa ra các giải pháp bổ sung phù hợp với điều kiện đi lại tại lò nghiêng, lò dốc như lắp đặt thang bậc đi lại, tay vịn, cược chắn; sử dụng hệ thống toa xe chở người, tời kéo toa xe chở người, hệ thống tời cáp treo phục vụ công tác đưa người lao động đến gần vị trí làm việc. Cùng với đó là đưa máy đào lò EBH-45 vào thi công đào lò tại Phân xưởng Đào lò 5; lắp đặt áp dụng thử nghiệm cơ cấu bốc dỡ vật liệu tại đường lò mức -97,5.
Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong điều hành sản xuất, kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, Công ty CP Than Mông Dương sản xuất được 782.000 tấn than, đạt 50,2% kế hoạch năm; đào mới trên 9.500m đường lò; than tiêu thụ đạt 785.000 tấn, đạt 50,6% kế hoạch năm; thu nhập bình quân thợ lò trên 20 triệu đồng/người/tháng. Những kết quả trên đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, với sản lượng than khai thác trên 20,6 triệu tấn than, than tiêu thụ ước đạt 26,7 triệu tấn, đạt trên 53% kế hoạch năm. Nộp ngân sách nhà nước tại Quảng Ninh ước trên 8.700 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch năm.
Những kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm là cơ sở, tiền đề để Công ty CP Than Mông Dương tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm. Ông Hoàng Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty CP Than Mông Dương, cho biết: Để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm và cả năm 2024, Công ty đang tiếp tục chỉ đạo các phòng ban, phân xưởng lập và ban hành kế hoạch sản xuất kinh doanh cho từng tháng, triển khai các giải pháp điều hành chất lượng than kịp thời, đảm bảo chỉ số bám sát theo kế hoạch của Tập đoàn giao. Cùng với đó, quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo công tác an toàn lao động, bám sát, đôn đốc, kiểm tra tiến độ thi công các phần việc phục vụ công tác phòng chống bão lũ, đảm bảo hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới sản xuất than.