Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, nhiều diễn viên, nghệ sĩ đã khẳng định, biên kịch đang là khâu yếu bậc nhất của phim Việt, ở cả lĩnh vực điện ảnh và truyền hình.
Phim điện ảnh thua lỗ, phim truyền hình quanh quẩn
Sự thua lỗ của hàng loạt dự án điện ảnh trong nhiều năm trở lại đây đều bắt nguồn từ kịch bản vô lý, đầy lỗ hổng.
6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận sự thảm bại phòng vé của hầu hết các dự án ra rạp. Ngoại trừ Trấn Thành, Lý Hải, những phim còn lại đều “chết lặng” khi khởi chiếu và lặng lẽ rời rạp trong ế ẩm, suất chiếu giờ nào cũng vắng vẻ, có phim chỉ bán 11 vé/ngày.
Lý do chính nằm ở kịch bản. Từ bộ phim khiến siêu mẫu Xuân Lan phải kêu khóc là “Cái giá của hạnh phúc” đến “Đóa hoa mong manh” của Mai Thu Huyền, hay “Móng vuốt” khiến “diễn viên triệu USD” Tuấn Trần ngã ngựa phòng vé… đều sở hữu những kịch bản ngô nghê, rối rắm.
Ngay đến những phim doanh thu kỷ lục như “Mai” của Trấn Thành, “Lật mặt 7: Một điều ước” do Lý Hải đạo diễn, kịch bản cũng thiếu vắng sự mới mẻ, đột phá. Thậm chí, “Lật mặt 7” sở hữu một đề tài không thể cũ hơn.
Trao đổi với phóng viên, diễn viên Hứa Vĩ Văn cho biết, anh rất muốn đóng phim, thậm chí mơ ước có thể tham gia vài dự án một năm để trau dồi khả năng diễn xuất, tuy nhiên các kịch bản gửi đến đều khiến nam diễn viên phải từ chối.
“Chúng ta rất thiếu kịch bản hay. Có năm tôi không tham gia phim nào vì kịch bản chán. Để bàn đến công nghiệp điện ảnh, tôi nghĩ sẽ rất xa xôi, bởi ngay từ khâu kịch bản, đội ngũ biên kịch của chúng ta còn rất yếu và thiếu” – Hứa Vĩ Văn nói.
Nhiều nghệ sĩ thừa nhận, mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng nhìn sang phim Hàn với hàng trăm bộ phim lên sóng trên nhiều kênh cùng lúc, mới thấy đội ngũ biên kịch của họ hùng hậu, và sức sáng tạo vượt xa tưởng tượng.
Ở mảng truyền hình, phim Hàn thể hiện sự sáng tạo vượt bậc, khi các phim thuộc nhiều thể loại, đề tài thuộc nhiều lĩnh vực, từ khoa học viễn tưởng, trinh thám, điều tra phá án, bạo lực học đường, bí mật ở giới giải trí, hậu trường trong đời sống quan chức… đến các phim tâm lý tình cảm, gia đình đều mới mẻ. Ở đó, mọi ngành nghề đều được khai thác sâu sát, từ giáo dục, cảnh sát, luật sư, bác sĩ đến những lao động nghèo…
Trong khi đó, phim truyền hình Việt đang rơi vào lối mòn, quanh quẩn những mâu thuẫn gia đình, lặp đi lặp lại.
Biên kịch thiếu trải nghiệm, thiếu sức sáng tạo
Nhiều ngành nghề đã phải “kêu cứu” khi bị các biên kịch Việt đưa lên phim. Giới nhà báo từng phản ứng khi hình ảnh phóng viên trên phim lúc nào cũng phải mặc áo gi-lê, máy ảnh lủng lẳng trước ngực…
Giới làm phim xây dựng hình ảnh nhân vật ở công việc đặc thù chỉ cố gắng “hình thức hóa” mà không có sự đầu tư về chiều sâu.
Việc phim “Gái nhảy” xây dựng hình ảnh một phóng viên ngô nghê xông vào vũ trường tự nhận là “nhà báo” để điều tra từng là ví dụ kinh điển.
Gần nhất, hàng loạt phim truyền hình giờ vàng xây dựng công việc của nhiều ngành nghề như lính cứu hỏa, bác sĩ, kiến trúc sư… theo lối “hình thức hóa”, thiếu thực tế như vậy.
Gần nhất, nhân vật Vũ trong phim “Trạm cứu hộ trái tim” khiến dư luận dậy sóng, khi Vũ là bác sĩ nhưng đã bỏ ca mổ ngay sát giờ chỉ vì chuyện cá nhân. Trao đổi với phóng viên Lao Động, một bác sĩ quân y cho hay, “là bác sĩ, ai cũng phải thuộc nằm lòng bài học đạo đức này, chúng tôi phải chịu trách nhiệm về ca mổ từ phút đầu tiên đến phút cuối cùng. Không ai được phép bỏ ca mổ sát giờ như thế”.
Trước đó, trong tập 41 phim “Trạm cứu hộ trái tim”, nhân vật An Nhiên đi thăm Nghĩa trong tù, nhân vật này đã dò hỏi đồng chí công an trong trại giam về danh sách những người từng vào thăm Nghĩa, đồng chí công an vui vẻ cung cấp những điều An Nhiên cần biết. Tình tiết này cũng bị cho là phi lý, vì đó không phải là cách người nhà tù nhân có thể dò hỏi từ cán bộ trại giam.
Trước đó, phim “Lỡ hẹn ngày xanh” bị một kiến trúc sư phản ứng vì nhân vật dùng sai ngôn ngữ chuyên ngành của nghề kiến trúc.
Phim “Hành trình công lý” xây dựng Hồng Diễm trong vai một luật sư tài giỏi, hết lòng với công việc, nhưng khi ra tòa, Phương (Hồng Diễm) chống lại thân chủ khiến thân chủ thua cuộc. Giới luật sư cho rằng, nếu tình huống này xảy ra ngoài đời, Phương có thể bị tước thẻ hành nghề.
Còn vô vàn những lỗi sạn khác, khi Dương (Huyền Lizzie) trong phim “Chúng ta của 8 năm sau” là trợ lý cho kiến trúc sư hàng đầu, làm việc tại công ty hàng đầu nhưng soạn thảo một email đầy lỗi chính tả cơ bản… Hay các công nhân nghèo khổ ở “Làng trong phố” dùng iPhone xịn…
Tất cả những “hạt sạn” này đều bị khán giả chỉ trích, để cho thấy, biên kịch sẽ phải “trả giá” nếu coi thường khán giả.