Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 được xây dựng nhằm cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế – xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Với phạm vi rộng, toàn diện, Bộ chỉ số PII là công cụ để mỗi địa phương soi chiếu, xác định rõ điểm mạnh, yếu, yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bộ chỉ số PII năm 2023 có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột, gồm: 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo (gồm: Thể chế, Vốn con người và Nghiên cứu và phát triển, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường, Trình độ phát triển của doanh nghiệp); 2 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của KHCN và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế – xã hội (gồm: Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, Tác động).
Nguồn dữ liệu để xây dựng Bộ chỉ số PII 2023 được thu thập dựa trên số liệu từ các báo cáo thống kê, báo cáo quản lý chính thức của các cơ quan Trung ương và địa phương; số liệu từ các bộ chỉ số khác gồm: Cải cách hành chính, Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chuyển đổi số, Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.
Với mỗi địa phương, kết quả đánh giá, xếp hạng của từng chỉ số, nhóm chỉ số và trụ cột được trình bày trong một bảng thông tin tổng hợp. Đồng thời, 5 điểm mạnh và 5 điểm yếu của mỗi địa phương cũng được chỉ rõ. Trên cơ sở các thông tin này, địa phương có thể nhận diện được những vấn đề cần chú trọng để từ đó có chỉ đạo, điều hành trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo của địa phương, góp phần nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo của địa phương và của quốc gia.
Theo báo cáo kết quả phân tích, đánh giá của Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố lần đầu tiên, tỉnh Quảng Ninh đạt 48,03 điểm, xếp hạng 09/63 tỉnh, thành phố cả nước; xếp thứ 09 trong 10 địa phương dẫn đầu Chỉ số PII, xếp thứ 04/11 tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng Sông Hồng (sau Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Ninh), là địa phương có thế mạnh dẫn đầu cả nước ở 2 trụ cột Thể chế, Cơ sở hạ tầng và có thu nhập bình quân đầu người ở mức khá. Kết quả Chỉ số PII năm 2023 theo các trụ cột, trong 52 chỉ số được đánh giá, có 38 chỉ số thành phần đạt, 14 chỉ số thành phần còn ở mức điểm số thấp, trong đó có 05 chỉ số thành phần là điểm yếu của tỉnh Quảng Ninh, so với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Xác định kết quả đánh giá của Bộ chỉ số PII là thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư địa phương giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp có các quyết định phù hợp, nhằm cải thiện điểm yếu trong năm 2023 và nâng cao Chỉ số Đổi mới sáng tạo của tỉnh, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo cụ thể nhằm mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương duy trì trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu Chỉ số PII về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học, công nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho doanh nghiệp, người dân và các nhà đầu tư, phát triển bền vững.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát các chỉ số thành phần của Chỉ số PII thuộc lĩnh vực ngành, địa phương quản lý; chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, quy định trong phạm vi thẩm quyền để triển khai có hiệu quả ở cấp ngành, địa phương, đơn vị đạt mục tiêu đề ra; thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Đồng thời tích cực triển khai các giải pháp nâng cao các chỉ số thành phần thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; đổi mới công nghệ; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; tài sản trí tuệ; phát triển thị trường công nghệ. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của doanh nghiệp; giúp thúc đẩy, nâng cao tỉ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên tổng số doanh nghiệp mới thành lập ở địa phương. Bố trí kinh phí chi đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề; khoa học và công nghệ từ ngân sách địa phương.
Tỉnh cũng triển khai các giải pháp để phát triển cụm công nghiệp, thu hút các dự án đầu tư, tạo môi trường thuận lợi thu hút, tập trung liên kết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp, phát triển dịch vụ logistics. Hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực nông thôn thông qua các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ truyền thống; tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP góp phần tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, tỉnh duy trì, giữ vững, cải thiện và nâng cao kết quả các Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh Quảng Ninh…