Không chỉ quan tâm sưu tầm, bà Trương Thị Thanh (SN 1953) trú tại tổ 3, khu 7A, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả còn là nhân tố “truyền lửa” đam mê hát Soọng cô, dạy tiếng dân tộc cho thế hệ trẻ. Bà đã truyền dạy cho nhiều học trò giỏi, trong đó có người đã trở thành nhà nghiên cứu có tiếng về người Sán Dìu và các dân tộc khác.
Biết hát Soọng cô từ thuở chăn trâu cắt cỏ và đã có trên 50 năm gắn bó với nó, dường như Soọng cô đã “ngấm” vào máu thịt của bà Trương Thị Thanh. Vì thế, từ nhiều năm qua, bà thường xuyên sưu tầm các bài hát, luyện tập hàng ngày và dạy các thế hệ con cháu.
Bà Thanh được sinh ra và lớn lên trong gia đình có ông, bà, bác rất giỏi hát Soọng cô. Khi ấy, lời hát Soọng cô như “cơm ăn, nước uống” hàng ngày của bà và cộng đồng người Sán Dìu ở đây. Về sau, dù cuộc sống mưu sinh bề bộn nhưng bà Thanh vẫn dành thời gian ôn lại, tập luyện các bài hát Soọng cô. Chính vì tình yêu với làn điệu này nên bà Thanh là một trong những thành viên tích cực khi CLB Soọng cô phường Quang Hanh thành lập năm 2012 với cả chục thành viên, đa phần hội viên từ 50-70 tuổi ở phường và quanh vùng.
Theo đánh giá của Ban Chủ nhiệm CLB, bà Thanh là một trong những “hạt nhân” tích cực của CLB, bà thường trao đổi, hỗ trợ các thành viên tập luyện. Nhờ sự nhiệt tình chỉ bảo của bà mà các thành viên thuộc nhiều bài hát hơn, tự tin đi giao lưu khắp nơi trong tỉnh và ngoài tỉnh như ở Vĩnh Phúc, Thái Nguyên…
Soọng cô là một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam – nữ, truyền đời bằng Hán tự cổ và truyền dạy trực tiếp. Bởi vậy, ngay khi thành lập CLB, bà Thanh và Ban chủ nhiệm đã có ý thức chép lại các bài hát cổ, sáng tác lời mới cho làn điệu cổ. Đến nay, bản thân bà đã có trong tay “kho tàng” khoảng trên 100 bài hát Soọng cô đối đáp, hát ru, giao duyên, chào hỏi, mời khách, tiễn khách…
Bà còn quan tâm học, chép lại các làn điệu cổ từ các thế hệ đi trước, “Việt hóa” ngôn ngữ để con trẻ có thể tiếp cận; ghi âm lời hát vào điện thoại để gửi cho các thành viên, con cháu học theo. Nhờ cách làm này, bà đã mở nhiều lớp dạy hát cho con cháu và cộng đồng.
Muốn học Soọng cô giỏi, hiểu biết về văn hóa, con cháu phải biết tiếng Sán Dìu, vì vậy, bà cũng kiêm luôn vai giáo viên. Nhờ sự tận tình của bà mà nhiều người, đặc biệt thế hệ trẻ đã biết hát, góp phần cho thành công của CLB. Cụ thể, CLB đã giành giải 3 tại Liên hoan dân ca Sán Dìu lần 1 năm 2019 của Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa Sán Dìu; giải nhất Liên hoan tiếng hát khu dân cư TP Cẩm Phả năm 2023…
Không chỉ giúp nhiều “học trò” học giỏi, say sưa với văn hóa dân tộc mình, bà còn “truyền lửa” đam mê cho một học trò đặc biệt, chính là con trai bà, ông Trần Quốc Hùng (SN 1986), là Tiến sĩ, Giám đốc Viện nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa Sán Dìu (giai đoạn 2018-2023), giảng viên Học viên Dân tộc (Ủy ban Dân tộc của Chính phủ).
“Ngọn lửa đam mê và nét đẹp văn hóa dân tộc được truyền từ mẹ đã hướng cho tôi học, nghiên cứu về dân tộc học khi học ngành Việt Nam học (Đại học Khoa học Huế), rồi về công tác tại Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Say mê những làn điệu Soọng cô, nét đẹp văn hóa dân tộc, có lẽ cả thanh xuân của tôi đã dành cho đồng bào và bà con các dân tộc. Đó là giai đoạn say mê đi và nghiên cứu, tranh thủ dịp nghỉ cuối tuần, tôi thường xuyên bắt xe đi Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… tìm hiểu, nghiên cứu” – Tiến sĩ Trần Quốc Hùng chia sẻ.
Nhờ đó, tới nay Tiến sĩ Hùng đã có thành quả là nhiều công trình nghiên cứu quý giá, 10 cuốn sách trong các dự án của Chính phủ về người dân tộc Sán Dìu. Trong đó, có nhiều phần viết về nghệ thuật hát Soọng cô, phong tục và nghi lễ vòng đời người Sán Dìu… từ nguồn tư liệu “sống” là mẹ mình.