Tại Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO diễn ra vào tháng 9/2023 đã thông qua hồ sơ đề cử, công nhận quần thể Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng) là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây thực sự là niềm vinh dự, tự hào cho Việt Nam nói chung, Quảng Ninh – Hải Phòng nói riêng khi sở hữu di sản liên tỉnh đầu tiên.
Với diện tích 1.553km2, Vịnh Hạ Long là nơi hội tụ của gần 2.000 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên cảnh quan kỳ vĩ, ảo diệu, tuyệt đẹp, hoà quyện giữa đá và nước làm mê hoặc, đắm say lòng người. Trong đó phải kể đến hòn Trống Mái (Gà Chọi), Đỉnh Hương, Con Cóc…, cùng hàng trăm hang động với cảnh sắc vô cùng huyền ảo như: Sửng Sốt, Thiên Cung, Đầu Gỗ, Bồ Nâu, Mê Cung, Luồn…
Với sự kỳ vĩ, riêng có, độc đáo về nước non, hang động, sự đặc sắc về cảnh quan, địa chất, địa mạo có một không hai, Vịnh Hạ Long đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới về giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mỹ và giá trị địa chất – địa mạo. Vịnh Hạ Long của Quảng Ninh còn được Tổ chức New Open World trao tặng danh hiệu Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.
Còn đối với Quần đảo Cát Bà có diện tích khu vực đề cử Di sản thế giới là 31.150ha với 388 hòn đảo. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới (năm 2004), được Chính phủ xếp hạng Danh lam thắng cảnh – Di tích quốc gia đặc biệt (năm 2013).
Với những dãy núi đá vôi trập trùng xen lẫn tùng áng, vụng vịnh, hang động kỳ vĩ, có giá trị đa dạng về sinh học và cảnh quan địa chất, địa mạo, đã tạo nên quần đảo Cát Bà như một kiệt tác thiên nhiên. Nhiều tên đảo gọi theo hình dáng của vạn vật như Ớt, Chuông, Mai Rùa, Lã Vọng, Đuôi Rồng, Báo, Sư Tử… Trên đảo Cát Bà có các thung lũng karst như Trung Trang, Gia Luận, Tai Lai, Việt Hải… Đây cũng là nơi sinh sống của hơn 3.000 loài động, thực vật trên cạn, dưới biển, trong đó có nhiều loài được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam và thế giới.
Quần đảo Cát Bà có rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rặng san hô, thảm rong – cỏ biển, hệ thống hang động, tùng áng, là nơi hội tụ đầy đủ các giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm các yêu cầu của khu dự trữ sinh quyển thế giới theo quy định của UNESCO.
Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận Di sản Thế giới, bởi nơi đây chứa đựng các khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm các đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ và các đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với các đặc điểm karst liên quan như các mái vòm và hang động. Cảnh trí ngoạn mục không bị tác động của các đảo có thảm thực vật che phủ, hồ nước mặn, đỉnh nhọn núi đá vôi với các vách dựng đứng nhô lên trên biển. Với hàng ngàn hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú trên mặt nước lấp lánh màu ngọc bích, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà hiện lên như một bàn cờ bằng đá quý, nước non trùng điệp, thanh bình, những bãi cát trắng mịn, tinh khôi.
Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà còn là nơi chứa đựng một môi trường sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Sở hữu khu rừng trên biển lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 17.000ha cùng các hệ sinh thái đa dạng, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là điểm cư ngụ của 4.910 loài động, thực vật trên cạn và dưới biển.
Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam. Đây là vinh dự, tự hào, nhưng cũng đặt ra những thách thức trong việc chung tay bảo vệ di sản từ việc khai thác, phát huy những giá trị đến bảo tồn, gìn giữ di sản cho muôn đời sau, trong đó có công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan… Quảng Ninh – Hải Phòng làm tốt những điều này sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng các di sản liên tỉnh, cũng như việc kết hợp quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản thế giới ở Việt Nam trong những năm tới.