Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 25/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, việc thực hiện tăng lương, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp từ ngày 1/7/2024 cần bám sát chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW và quy định của pháp luật để thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước.
Đồng thời cần bảo đảm tương quan cân đối, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hóa xã hội, bảo đảm an sinh cho nhân dân trong quá trình phát triển; những nội dung trong các nghị quyết của Trung ương đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện thì triển khai ngay; những vấn đề còn khó khăn, bất cập thì tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội, nhằm tạo được đồng thuận xã hội, tránh xáo trộn lớn, phức tạp tình hình.
Đồng tình quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khoá XV, ĐBQH tỉnh Đỗ Thị Lan cho rằng hiện nay, việc xây dựng bảng lương trên cơ sở là tiền lương tổng thể theo vị trí việc làm còn nhiều khó khăn. Mặt khác, nguồn lực để thực hiện phải từ việc cải cách tổ chức bộ máy sắp xếp tổ chức bộ máy tinh giản biên chế; đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công để có nguồn thu thực hiện cải cách tiền lương… Tuy nhiên, đến nay mới chỉ thực hiện một phần và còn chưa có đề xuất một cách đầy đủ. Đại biểu đề nghị cần quan tâm thêm việc sắp xếp lại hệ thống thang bảng lương cũ và các phụ cấp kèm theo, từ đó tính tổng thu nhập của mỗi chức vụ trong hệ thống.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng Chính phủ cần phải chú trọng làm rõ và tuyên truyền để hiểu thống nhất chính sách này. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội; đồng thời, bảo đảm tương quan cân đối, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, bảo đảm an sinh cho nhân dân trong quá trình phát triển…