Mưa to, gió mạnh, giông lốc bất chợt… là điều mà CBCS BĐBP Quảng Ninh thường xuyên phải đối mặt trên các chuyến hải trình tuần tra vùng biển, đảo tiền tiêu Đông Bắc của Tổ quốc. Bất chấp khó khăn, nguy hiểm rình rập, những người lính quân hàm xanh Quảng Ninh vẫn kiên cường bám biển, duy trì thường xuyên hoạt động tuần tra, kết hợp tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong khai thác thủy sản, góp phần tháo gỡ thẻ vàng IUU.
Cùng BĐBP đi “gỡ” thẻ vàng IUU
Năm 2017, Việt Nam đã bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh cáo thẻ vàng vì không tuân thủ quy định IUU. Điều này đồng nghĩa thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất, tức doanh nghiệp mất nhiều chi phí phát sinh hơn.
Trung tuần tháng 5 vừa qua, chúng tôi có dịp cùng CBCS tàu BP 01-04-09, thuộc Hải đội Biên phòng 2, BĐBP Quảng Ninh đi tuần tra, kết hợp tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong khai thác thủy sản, không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép, góp phần tháo gỡ thẻ vàng IUU.
Trước khi bước chân xuống tàu, tôi khá tự tin với kinh nghiệm từng có lần đi tuần tra dài ngày trên vùng biển lân cận đường phân định Vịnh Bắc Bộ cùng lực lượng Cảnh sát biển. Hơn thế, chuyến tuần tra lần này chỉ giới hạn trong phạm vi từ vùng biển Vân Đồn đến đoạn giáp ranh với huyện đảo Cô Tô nên trong suy nghĩ của tôi đây sẽ là một hoạt động trải nghiệm không nhiều khó khăn. Nghĩ là vậy, nhưng khi tham gia chuyến tuần tra này, tôi lại có một chuyến đi đầy vất vả, gian nan.
Sau hơn nửa ngày đạp sóng ra khơi, đêm ngày 16/5, tàu BP 01-04-09 đến được khu vực biển Thượng Mai – Hạ Mai (khu vực biển giáp ranh giữa huyện Vân Đồn và huyện đảo Cô Tô). Khi đang tiến hành neo đậu để làm nhiệm vụ lập chốt kiểm soát trên biển thì một cơn giông bất ngờ ập tới kèm theo mưa nặng hạt. Trong mưa giông, biển về đêm sâu thẳm, đen đặc, gió biển từng cơn gầm rít giữa cơn cuồng phong biển, từng con sóng đánh mạnh vào mạn tàu khiến con tàu tròng trành, chao nghiêng rung lắc dữ dội, đồ đạc trên tàu rơi loảng xoảng… Ngồi trong cabin tàu, tôi bám chặt tay bao vào thành ghế để người không bị văng ngã. Đứng gần tôi, Trung tá Trần Tiến Đạt, thuyền trưởng tàu BP 01-04-09 trấn an tôi: “Giông biển đấy, một lúc là sẽ tan ngay thôi”.
Trung tá Trần Tiến Đạt giải thích thêm: Đang là mùa mưa bão nên ở vùng biển này, mưa giông cục bộ hình thành rất nhanh. Điều này khiến các thiết bị quan trắc, dự báo thời tiết không tài nào cảnh báo được. Tuy nhiên, mưa giông chỉ nổi ở một điểm hẹp, không lan rộng. Chỗ này có thể đang giông nhưng kế bên lại quang đãng như không có gì xảy ra”.
Vừa nói anh Đạt vừa điều khiển con tàu rời khỏi vị trí neo đậu để tránh cơn giông. Sau gần một giờ đồng hồ, vượt qua được vùng nguy hiểm và quyết định thả neo nghỉ ngơi. Anh Đạt động viên tôi cố gắng chợp mắt một chút để lấy sức, vì còn cả một chặng đường dài phía trước, nhưng tôi không tài nào ngủ được vì biển đã thức giấc.
Sau mưa giông, bình minh trên biển tiền tiêu Đông Bắc của Tổ quốc trời sáng như tráng gương bởi những vầng sáng đầu tiên hắt lên từ phía chân trời. Phóng tầm mắt về phía mặt trời mọc, những đám mây lấp lánh muôn sắc màu. Ở nơi ấy còn có những chiếc tàu cá lướt nhẹ trên sóng càng khiến cho cảnh biển nơi đây thêm hùng vĩ, thơ mộng. Và dường như, đó là sự bù đắp của cơn giông lốc đêm trước.
Sau tiếng còi tập hợp, chỉ huy tàu BP 01-04-09 phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng CBCS và tiến hành hạ xuồng để các tổ công tác (gồm từ 4 đến 5 thành viên) đến từng tàu cá của ngư dân đang hoạt động trong khu vực để kiểm tra việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong khai thác thủy sản trên biển.
Trực tiếp tham gia tuyên truyền cho ngư dân về các quy định của IUU, Thiếu tá Nguyễn Văn Biên, cán bộ trên tàu BP 01-04-09, cho biết: Những chuyến tuần tra trên biển mùa này thường rất gian nan, bởi điều kiện thời tiết trên biển luôn diễn biến phức tạp, sóng to, gió lớn thất thường. Trong khi đó, vùng biển tuần tra lần này rộng, lưu lượng tàu thuyền hoạt động lớn. Mỗi ngày vùng biển này có khoảng 1.000 lượt tàu thuyền thường xuyên hoạt động. Các đối tượng thường triệt để lợi dụng vùng biển của tỉnh rộng, lúc đêm tối để thực hiện các hành vi khai thác, đánh bắt thủy sản trái phép, né tránh việc kiểm tra của các lực lượng chức năng. Do vậy, các hoạt động tuyên truyền, vận động như thế này là hết sức ý nghĩa, góp phần không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của ngư dân cùng lực lượng BĐBP đấu tranh, ngăn chặn khai thác thủy sản trái phép.
Được vận động, nhiều ngư dân làm ăn trên biển đã tự nguyện ký cam kết không khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định IUU. Ông Châu Văn Minh, một chủ tàu cá đang hoạt động trên vùng biển Thượng Mai – Hạ Mai, chia sẻ: Được các lực lượng chức năng trong đó có lực lượng BĐBP thường xuyên tuyên truyền, ngư dân chúng tôi đã hiểu và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật trong khai thác thuỷ sản. Mỗi chuyến ra khơi, ngư dân chúng tôi thường xuyên nhắc nhau không được xâm phạm vùng biển của nước ngoài để khai thác thuỷ sản trái phép gây ảnh hưởng đến lợi ích chung của quốc gia.
Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm
Sau hơn 2 ngày tham gia hoạt động tuần tra trên biển cùng lực lượng Biên phòng, chúng tôi quyết định rời tàu BP 01-04-09 để lên cảng cá Cái Rồng, huyện Vân Đồn. Đây là nơi neo đậu phương tiện của ngư dân địa phương và các tỉnh lân cận sau mỗi chuyến ra khơi đánh bắt thủy sản trở về đất liền. Tại đây, mỗi ngày có vài chục lượt tàu cá xuất nhập bến, lúc cao điểm có thể lên đến hàng trăm chiếc. Số lượng tàu thuyền lớn đặt ra yêu cầu, trách nhiệm cao đối với các CBCS Trạm Kiểm soát biên phòng Cái Rồng (Đồn BP Hạ Long).
Gặp chúng tôi, Trung tá Nguyễn Trung Dũng, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Cái Rồng, vui vẻ cho biết: Quản lý cảng cá lớn nhất tỉnh nên CBCS của Trạm đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền để không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của ngư dân, nhất là các chủ phương tiện tàu đánh bắt cá xa bờ trong tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản.
Đi đôi với công tác tuyên truyền, Trạm đã phối hợp chặt chẽ với các thành viên của Trạm liên ngành kiểm soát tàu cá ra vào cảng Cái Rồng duy trì trực 24/24h để kiểm tra, kiểm soát tàu cá, cấp phát mẫu, thu hồi nhật ký khai thác, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng.
Cụ thể, trước khi ngư dân đưa tàu cá ra khơi khai thác, các lực lượng sẽ kiểm tra các loại giấy tờ như đăng kiểm, đăng ký khai thác, an toàn thực phẩm… cùng giấy tờ tùy thân. Sau đó, lực lượng biên phòng tiến hành kiểm tra phương tiện, các thiết bị trên tàu như giám sát hành trình, thiết bị nhận dạng, máy móc, các loại phao… đảm bảo an toàn hàng hải mới cho xuất bến.
Ông Bùi Văn Như, thôn 10, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, chủ tàu cá QN- 90964-TS, cho biết: “Với tính chất là tàu đánh bắt xa bờ, trước mỗi chuyến vươn khơi, chúng tôi đều chủ động kiểm tra kỹ thiết bị giám sát hành trình, khai báo đầy đủ các thủ tục tại cảng cá. Hơn thế, trên tàu cũng luôn có sẵn các tờ rơi tuyên truyền về chống khai thác IUU nên chúng tôi tự nhắc nhở nhau và xác định luôn thực hiện đầy đủ quy định pháp luật”.
BĐBP Quảng Ninh quản lý vùng biển rộng khoảng 10.338km2 với chính diện đường biên giới trên biển dài 124km. Trên vùng biển của tỉnh có khoảng 6.000 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó 245 tàu cá có chiều dài trên 15m. Thông qua công tác tuyên truyền ngư dân và chủ phương tiện cơ bản nắm, chấp hành tốt quy định của pháp luật khi khai thác thủy sản. Tuy nhiên, tình trạng ngư dân vi phạm các quy định khai thác thủy sản vẫn diễn ra.
Xác định rõ đặc thù của địa phương, thời gian qua, BĐBP tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh ngăn chặn hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong khai thác thủy sản, góp phần cùng cả nước sớm tháo gỡ thẻ vàng IUU.
Đại tá Nguyễn Văn Thiềm, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, chia sẻ: Với phương châm “Xử lý kiên quyết, không có vùng cấm” đối với vi phạm IUU, quá trình thực hiện nhiệm vụ, từ đầu năm đến nay, BĐBP tỉnh phát hiện, xử lý 79 vụ/81 phương tiện/84 đối tượng vi phạm liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chống khai thác IUU, phạt trên 900 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu liên quan đến thiếu giấy tờ về người và phương tiện, khai thác sai vùng, khai thác trong khu vực cấm khai thác, sử dụng công cụ cấm để khai thác thủy sản…