Giờ đây, khi đi du lịch, không ít du khách đặt tiêu chí lựa chọn điểm đến ngoài đặc sắc, hấp dẫn, đa dạng hoạt động vui chơi, giải trí… còn có một tiêu chí hết sức quan trọng là du lịch xanh, du lịch sạch, du lịch không làm môi trường xấu đi. Điều này cho thấy du khách ngày càng có trách nhiệm với môi trường sống, môi trường tự nhiên hơn, qua đó góp phần chống biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một rõ ràng hơn.
Theo Báo cáo du lịch bền vững 2024 của nền tảng du lịch trực tuyến Booking.com, qua khảo sát của hơn 31.000 du khách đến từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ có rất nhiều du khách không thích những điểm du lịch làm môi trường xấu đi. Trong đó có tới 96% du khách Việt Nam khẳng định du lịch bền vững đóng một vai trò quan trọng trong lựa chọn của họ.
Có đến 56% du khách cảm thấy áy náy khi lựa chọn những hình thức du lịch có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, trong khi 21% quyết định hành động theo hướng bền vững hơn vì tin tưởng đó là quyết định đúng đắn.
Đáng chú ý, 80% khách du lịch Việt Nam cho biết mong muốn những điểm đến mà họ đặt chân đến sẽ được cải thiện về chất lượng dịch vụ, quan tâm môi trường hơn sau khi họ rời đi. Thách thức du lịch bền vững không chỉ đến từ du khách mà bắt đầu từ điểm đến. Nếu các điểm đến không giữ gìn, làm môi trường xấu đi thì du khách sẽ không quay trở lại. Trong cuộc cạnh tranh mới, xây dựng những điểm đến chất lượng, bền vững là yếu tố ưu tiên hiện nay. Rất nhiều người tham gia khảo sát cho rằng việc kêu gọi hành động cộng đồng nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành du lịch vẫn luôn được xem là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.
Từ khảo sát của nền tảng du lịch trực tuyến Booking.com cho thấy giờ đây ngoài đi thưởng ngoạn, vui chơi, giải trí, du khách đã dần có trách nhiệm với môi trường sống, môi trường tự nhiên.
Có lẽ bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng đang là xu hướng đang được nhiều tỉnh, thành phố quan tâm. Trong đó, suốt nhiều năm qua, Quảng Ninh ngoài tập trung phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, tỉnh cũng luôn coi trọng đưa ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch tăng trưởng theo hướng du lịch xanh – sạch, thân thiện, hấp dẫn, an toàn.
Như mới đây, do thời tiết mưa dông nhiều, lượng rác thải trôi nổi từ đại dương vào khu vực Vịnh Hạ Long tăng cao, TP Hạ Long và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã phối hợp thực hiện đợt cao điểm làm sạch môi trường Vịnh Hạ Long, thu gom, xử lý được trên 1.500m3 rác thải, chủ yếu là vật tư phao xốp, bè mảng hỏng, túi nilon… Trong đó, TP Hạ Long đã thu gom dọc tuyến ven bờ từ phường Hùng Thắng, Tuần Châu đến Hà Phong với diện tích thu gom trên 2.500ha và hơn 1.300 người tham gia, thu gom trên 400m3 rác. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long huy động gần 1.200 lượt người, trên 420 lượt phương tiện tham gia, thu gom trên 1.100m3. Qua đó trả lại môi trường xanh – sạch – đẹp cho vịnh di sản.
Không chỉ thường xuyên ra quân thu gom rác đột xuất, hằng năm, để vớt rác trôi nổi trên vịnh Hạ Long, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã ký hợp đồng thu gom rác với 3 doanh nghiệp, với tổng số tiền chi trả khoảng 10 tỉ đồng/năm. Đều đặn mỗi ngày 20 tàu, thuyền với khoảng 50 người thường xuyên thu gom rác tại các điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Còn tại huyện đảo Cô Tô, thay vì tổ chức các trò chơi teambuilding, nhiều nhóm du khách đến với Cô Tô lựa chọn tham gia các hoạt động nhặt rác, làm sạch bãi biển. Đây là nét mới trong các hoạt động du lịch tại Cô Tô trong mùa hè năm nay. Để đồng hành cùng nhóm khách trong hoạt động ý nghĩa này, Hội Du lịch Cô Tô đã tài trợ toàn bộ dụng cụ hỗ trợ việc nhặt rác bao gồm, bao đựng rác và găng tay.
Thời gian qua, chính quyền huyện Cô Tô rất quan tâm hoạt động làm sạch biển, thu gom và tái chế rác, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy. Huyện triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, đem lại kết quả tích cực. Thông điệp về du lịch xanh tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân và du khách.
Có thể thấy, giờ đây đi du lịch xanh không chỉ du khách nước ngoài quan tâm, mà đã và đang lan toả, được du khách trong nước hưởng ứng. Điều này là tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp không khói phát triển bền vững, không làm ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên, môi trường sống.