Năm 1974 Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử được công nhận di tích cấp quốc gia. Hơn 20 năm sau, phần lớn các điểm di tích chùa, am, tháp Yên Tử vẫn ở dạng phế tích. Với rất nhiều nỗ lực, TP Uông Bí từng bước trùng tu, tôn tạo Yên Tử, quyết tâm khôi phục và không ngừng làm giàu giá trị cho di sản Yên Tử.
Dấu chân của những người bảo vệ di tích
Năm 1992 BQL di tích Yên Tử được thành lập. Trong hàng chục di tích quốc gia của tỉnh khi đó, Yên Tử là di tích hiếm hoi có BQL. Ông Trần Trương, nguyên Trưởng ban đầu tiên của BQL di tích Yên Tử, cho biết: Việc thành phố cho thành lập BQL không đơn thuần đánh dấu sự có mặt, sự tham gia trực tiếp và bài bản của quản lý nhà nước tại Yên Tử, mà chính là sự khởi đầu của một tầm nhìn, một khát vọng phục hưng Yên Tử của cán bộ và nhân dân Uông Bí nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Những báo cáo đầu tiên được làm bằng video được BQL di tích Yên Tử gửi tới trung ương là một trong những cơ sở quan trọng để sau đó Yên Tử được nhận gói ngân sách nhà nước hơn 60 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo các điểm di tích trực thuộc. Gói ngân sách này sau chỉ giải ngân được gần 2/3, nhưng cũng đủ để các chùa Bảo Sái, Vân Tiêu, Hoa Yên, Vườn tháp… lần lượt được trùng tu, tôn tạo; những tuyến đường dẫn vào các điểm di tích được hình thành. Yên Tử được kết nối với quốc lộ và các vùng dân cư Uông Bí, là tiền đề tạo nên một diện mạo Yên Tử đặc sắc, mang trong mình những giá trị ngoại hạng như ngày nay.
Hơn 30 năm kể từ khi thành lập đến nay, cán bộ, nhân viên BQL di tích và rừng quốc gia Yên Tử phối hợp nghiên cứu, khảo sát, khai quật khảo cổ các điểm phế tích tại Yên Tử để có cơ sở khoa học làm tốt công tác trùng tu, tôn tạo di tích. Nhiều hạng mục công trình đã để lại dấu ấn, như chùa Giải Oan (trùng tu năm 1994), khu vực vườn Tháp Tổ – Hòn Ngọc (trùng tu năm 1995), chùa Vân Tiêu, cầu Đá suối Giải Oan (phục dựng năm 2001), chùa Hoa Yên, chùa Lân – Thiền Viện (phục dựng năm 2002), chùa Bí Thượng, chùa Đồng (phục dựng năm 2006), tôn dựng Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông (năm 2009)… BQL di tích và rừng quốc gia Yên Tử chủ trì xây dựng hệ thống bảng biển chỉ dẫn về Yên Tử; tham gia chỉnh trang, nâng cấp các tuyến đường nội vi và xây dựng hệ thống nhà vệ sinh, công trình PCCC… tại di tích. BQL đã dập, dịch 101 văn bia; nghiên cứu, sưu tầm và lưu giữ 803 hiện vật có giá trị văn hoá vật thể vô cùng phong phú. Những hiện vật này gắn liền với với Phật hoàng Trần Nhân Tông và tiến trình lịch sử phát triển của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy
Nét độc đáo riêng có của Yên Tử đó là di tích gắn với rừng và nằm ẩn khuất trong Rừng quốc gia Yên Tử. Hơn 2.780ha rừng quốc gia Yên Tử đã được các lực lượng chức năng TP Uông Bí là BQL di tích và rừng quốc gia Yên Tử, Hạt Kiểm lâm, Phòng Kinh tế thành phố và UBND các xã nằm trong ranh giới rừng ngày ngày bảo vệ nghiêm ngặt, trở thành mái nhà chung che chở cho di tích Yên Tử, thêm phần tôn vinh giá trị di tích.
Sự gắn kết không thể tách rời giữa di tích và rừng quốc gia Yên Tử đã tạo nên giá trị tổng hòa cho di sản Yên Tử. Các giá trị ấy trường tồn cùng lịch sử, đang được chính quyền thành phố bảo vệ và lan toả trong đời sống hôm nay và cho mai sau…
Trước đó, tỉnh, TP Uông Bí đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản Yên Tử. Từ năm 2002 tỉnh đã kiên quyết cho dừng khai thác than tại một số khai trường, yêu cầu hoàn nguyên và khoanh định vào rừng quốc gia Yên Tử để bảo vệ; kiên quyết nói “không” với dự định thăm dò, khai thác trữ lượng hàng trăm triệu tấn than trong vùng Yên Tử; chuyển mạnh sang khai thác hầm lò, giảm thiểu lộ thiên trong các khu vực lân cận (Vàng Danh, Nam Mẫu, Tràng Lương…); ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư biết quý trọng Yên Tử vào Yên Tử.
Với tất cả sự trân trọng cho miền đất Phật linh thiêng, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư nơi di sản đã và đang kế tục, tiếp nối thế hệ xưa, gìn giữ, vun đắp và nâng tầm giá trị của Yên Tử, để miền “phúc địa” của quốc gia, dân tộc tỏa sáng và trường tồn mãi muôn đời.
Yên Tử hôm nay đang đứng trước cơ hội được UNESCO tôn vinh là di sản thế giới. Cán bộ, nhân dân tỉnh nói chung, TP Uông Bí nói riêng, chú trọng làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá về Yên Tử. Trong tháng 5/2024, thành phố đã triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng “Tự hào và trách nhiệm khi Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trở thành Di sản thế giới” tới từng chi bộ, đoàn thể, lan tỏa sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các chi, đảng bộ, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Để từ đó mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân và du khách có thêm trách nhiệm và niềm tự hào, nâng cao ý thức chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của Yên Tử xứng tầm quốc tế.