Gần một thế kỷ trôi qua với biết bao thăng trầm, “ngọn lửa” nghề vẫn luôn được thắp sáng trong trái tim những người làm báo nói chung, người làm báo Quảng Ninh nói riêng. Hành trình cống hiến bền bỉ của lớp lớp các thế hệ nhà báo cùng những thành tựu mà họ đạt được đã, đang và tiếp tục là hành trang, sức mạnh cổ vũ nối dài niềm tự hào, để báo chí Quảng Ninh tiếp tục khẳng định vị thế trong “dòng chảy” không ngừng của xã hội, xứng đáng là “cầu nối” giữa Đảng với nhân dân, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh và đất nước.
Tâm sự chuyện nghề
Với tinh thần nhiệt huyết, cùng sự năng động, tích cực, vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu khi mới vào nghề, các phóng viên trẻ luôn nỗ lực rèn luyện, trau dồi kinh nghiệm, kiến thức, xứng với danh xưng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa – tư tưởng của Đảng. Mặc dù kinh nghiệm chưa nhiều, nhưng sự nhiệt huyết đó đã giúp các phóng viên trẻ vững vàng khi đối diện khó khăn, thử thách trong công việc; sống đam mê với nghề; nỗ lực tìm tòi những đề tài hay, sáng tạo những tác phẩm chất lượng đem đến cho bạn đọc.
Phóng viên Hoàng Trường Giang (Phòng Chuyên đề, Trung tâm Truyền thông tỉnh) chia sẻ: Tôi vào Báo Quảng Ninh (nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh) từ năm 2017. Thời gian đầu khi tiếp cận công việc cũng gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng luôn tự cổ vũ bản thân phải không ngừng vươn lên. Gian nan thử sức, càng khó mình càng đặt mục tiêu phải cố gắng vượt qua. Thật may mắn khi thời gian đầu bước vào nghề, tôi đã được ban lãnh đạo cũng như những nhà báo đi trước giúp đỡ, dìu dắt rất nhiều. Tình cảm đó đã động viên, giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng hơn. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in cảm giác vui mừng, hạnh phúc khi lần đầu tiên được nhận giải khuyến khích Giải Báo chí tỉnh sau hơn 1 năm vào nghề. Mặc dù giải thưởng được chưa cao, nhưng đó là nguồn động lực để tôi nỗ lực hơn nữa trong công việc.
Khi Trung tâm Truyền thông tỉnh được thành lập, tác nghiệp trong môi trường làm việc đa dạng nhiều loại hình báo chí, mang đến những trải nghiệm mới lạ và là động lực giúp Trường Giang hoàn thiện các kỹ năng của bản thân, đáp ứng yêu cầu cao trong công việc. Với sự năng động của tuổi trẻ, Trường Giang tiếp tục làm quen, tiếp cận kiến thức, cách viết mới, “bắt nhịp” nhanh thực hiện những loại hình mới, như sản xuất tin, bài truyền hình, phát thanh… Qua đó ngày càng khẳng định bản thân bằng những tác phẩm chất lượng, mang hơi thở cuộc sống, được công chúng, độc giả đón nhận. Nhiều tác phẩm đoạt giải cao trong Liên hoan nghiệp vụ báo chí của Trung tâm, Giải Báo chí tỉnh, Giải Búa liềm vàng tỉnh.
Không chỉ khẳng định năng lực bản thân với độc giả, đồng nghiệp bằng những bài viết chất lượng, mang hơi thở cuộc sống, những người làm báo Quảng Ninh luôn nỗ lực làm mới mình trên các phương diện, thử sức sáng tạo trên nhiều loại hình báo chí, nhất là những thể loại khó, đòi hỏi sự nghiên cứu tìm tòi công phu như thể loại phim tài liệu.
Nhà báo Xuân Hòa (Phòng Văn nghệ – Thể thao – Giải trí, Trung tâm Truyền thông tỉnh) bộc bạch: Gần 15 năm làm báo, tôi nhận thấy rằng nghề đã mang lại cho tôi quá nhiều đặc ân. Tôi được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, tìm hiểu nhiều vùng văn hóa khác nhau. Mỗi phóng viên phụ trách mỗi lĩnh vực khác nhau, điều này đã mang đến nhiều cơ hội được học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn và phải tự biến mình thành “chuyên gia” trong lĩnh vực ấy. Nghề báo đã thôi thúc niềm đam mê và giúp tôi được trải nghiệm với thể loại “phim tài liệu” – một thể loại khó và đòi hỏi nhiều thời gian, công sức.
Bộ phim tài liệu “Quảng Ninh biên niên sử truyền hình” được thực hiện nhân kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh, là tác phẩm tâm huyết mà Xuân Hoà cùng nhiều đồng nghiệp trong Trung tâm Truyền thông tỉnh đã nỗ lực thể hiện, cố gắng tạo ra những thước phim sống động và chất lượng nhất. Bộ phim dài 13 tập, mỗi tập có thời lượng từ 25-30 phút, với dung lượng thông tin đồ sộ, phản ánh quá trình hình thành, phát triển của vùng Đông Bắc trong hàng nghìn năm lịch sử; đặc biệt là giai đoạn 60 năm thành lập tỉnh. Đây có thể coi là bộ phim tài liệu đồ sộ nhất về Quảng Ninh được thực hiện đến thời điểm hiện tại.
“Để hoàn thành bộ phim này, ê kíp thực hiện đã phải chuẩn bị suốt cả năm và mất 6 tháng để gặp gỡ các nhân vật, phỏng vấn, ghi hình, hậu kỳ bộ phim. Trong suốt quá trình đó, các nhóm tích cực tìm kiếm, tiếp cận, khai thác nhiều tư liệu, hình ảnh, tài liệu quý về Quảng Ninh từ Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương, Điện ảnh Quân đội Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Trung tâm lưu trữ Quốc gia…; trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố trên sóng QTV. Bộ phim được thực hiện bằng tất cả tình yêu quê hương của những người con sinh sống tại Quảng Ninh. Chúng tôi mong muốn thông qua bộ phim, công chúng thấy một phần ký ức của mình trên quê hương Vùng mỏ” – Xuân Hòa chia sẻ.
Cùng với những nhà báo, phóng viên sinh ra, lớn lên và cống hiến cho quê hương Quảng Ninh, những phóng viên báo chí trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh đã gửi trọn tình yêu, niềm đam mê với nghề báo khi đến công tác tại mảnh đất thân yêu này. Hòa chung “dòng chảy” của báo chí, những người làm chương trình tiếng dân tộc của VOV Đông Bắc đang nỗ lực cống hiến, tận tâm với từng nội dung thông tin trước khi đưa lên sóng phát thanh quốc gia.
Gần 6 năm gắn bó với Đài PTTH Cao Bằng, đầu năm 2019 nhà báo Nông Diệp đã có cơ duyên đến với mảnh đất Quảng Ninh và trở thành biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam khi Cơ quan thường trú khu vực Đông Bắc tại Quảng Ninh được giao nhiệm vụ tổ chức sản xuất chương trình phát thanh tiếng Tày – Nùng. Mặc dù có nhiều năm công tác trong nghề báo, nhưng khi chuyển môi trường làm việc từ cơ quan báo chí địa phương sang cơ quan báo chí trung ương, đến một nơi xa gia đình, người thân, áp lực không hề nhỏ, nhưng niềm đam mê với nghề đã giúp chị cũng như nhiều đồng nghiệp quê xa vượt qua khó khăn, mang đến cho khán, thính giả những tác phẩm báo chí hay, ý nghĩa.
Nhà báo Nông Diệp chia sẻ: Quảng Ninh thực sự là một vùng đất ấn tượng với những nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn. Mỗi chuyến đi cơ sở, đến với bà con vùng đồng bào DTTS ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đều mang đến một trải nghiệm mới mẻ, giúp tôi có thêm nhiều tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống về sự nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo; cách bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc địa phương. Nếu không theo nghề báo, có lẽ tôi không có cơ hội đi hết với Quảng Ninh, được trực tiếp nhìn thấy sự “thay da, đổi thịt” ở những vùng đồng bào DTTS. Đây cũng chính là động lực, là nguồn tư liệu thôi thúc tôi cùng đồng nghiệp truyền góp phần nhỏ bé trong dòng chảy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng, các khu vực đồng bào DTTS trong cả nước…
Trong suốt quá trình gắn bó với nghề, nhất là mảng dân tộc, trăn trở lớn nhất đối với nữ nhà báo trẻ người dân tộc Tày chính là làm sao để đổi mới chất lượng sản xuất chương trình dân tộc trong thời đại công nghệ 4.0, sự phát triển của các nền tảng số. Để nắm bắt nhu cầu tiếp nhận thông tin của mọi lứa tuổi, chị đã tỉ mỉ cắt dựng các video ngắn phù hợp với nội dung bài viết để đăng tải trên nền tảng số nhằm giúp bà con dễ dàng tiếp nhận thông tin hơn; hình ảnh bắt mắt thu hút động khán giả hơn.
Hơn 5 năm tác nghiệp ở Quảng Ninh giúp chị có nhiều cảm hứng sáng tác, thể hiện nhiều tác phẩm phản ánh đời sống KT-XH của đồng bào DTTS trong tỉnh, đặc biệt là những quyết sách từng bước làm thay đổi đời sống của bà con. Nhiều tác phẩm của chị và nhóm sản xuất chương trình tiếng Tày – Nùng đoạt giải thưởng báo chí, như: Giải Vàng Liên hoan phát thanh toàn quốc 2020; Giải Bạc Liên hoan phát thanh truyền hình toàn quốc 2022; giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh với tác phẩm “Then Tày Quảng Ninh trong hành trình di sản”, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, con người Quảng Ninh đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Xứng đáng là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng
Tiếp bước truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, thấm nhuần đạo đức của người làm báo cách mạng, những năm qua, báo chí Quảng Ninh không ngừng đổi mới, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, luôn xung kích, đi đầu, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh.
Trong mọi hoàn cảnh, đội ngũ người làm báo luôn đoàn kết, chủ động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, bám sát thực tiễn, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội. Từ đó, đưa đến độc giả những tin tức mang “hơi thở” của cuộc sống; khơi nguồn cảm hứng đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc. Không những vậy, những người làm báo Quảng Ninh còn đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phê phán, đấu tranh với cái xấu, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực… Qua đó, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Nổi bật, Trung tâm Truyền thông tỉnh – mô hình cơ quan báo chí, truyền thông hợp nhất cấp tỉnh đầu tiên của cả nước, trong hơn 5 năm qua, mỗi phóng viên, nhà báo đều nỗ lực trở thành những hình mẫu phóng viên đa phương tiện trong kỷ nguyên số, sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị được giao, kịp thời phản ánh những vấn đề bức thiết của cuộc sống, lan tỏa những câu chuyện nhân văn, những tấm gương điển hình, trở thành cầu nối giữa chính quyền và nhân dân. Qua đó, đóng góp chung vào những thành tựu vượt bậc mà Quảng Ninh đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Cùng với đó, đội ngũ phóng viên của các cơ quan báo chí thường trú Trung ương tại địa phương và phóng viên Trung tâm Truyền thông – Văn hoá cấp huyện cũng luôn bám sát địa bàn, nhiệt huyết dấn thân vào thực tiễn sôi động, để thông tin đúng, trúng, kịp thời, hấp dẫn, sinh động công cuộc đổi mới diễn ra một cách mạnh mẽ trên khắp các địa phương của tỉnh Quảng Ninh, chuyển tải tới nhiều đối tượng công chúng.
Để nâng cao hiệu quả, chất lượng các tác phẩm báo chí, Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan báo chí đã thực hiện nhiều giải pháp, trọng tâm là bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho hội viên, đào tạo đội ngũ nhà báo tiên phong, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, kịp thời phản ánh những vấn đề bức thiết của cuộc sống, lan tỏa những câu chuyện nhân văn, những tấm gương điển hình, truyền cảm hứng, trở thành cầu nối giữa chính quyền và nhân dân. Các cơ quan báo chí cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu sản xuất báo chí hiện đại theo xu thế mới. Với nguồn chất liệu dồi dào từ hiện thực sống động của Quảng Ninh, chất lượng các tác phẩm báo chí ngày càng được nâng cao, đổi mới cả về nội dung và hình thức thể hiện.
Nhiều nhà báo đã được tặng các phần thưởng, giải báo chí quốc gia, cuộc thi báo chí của bộ ngành và của tỉnh. Liên tục trong mấy năm gần đây, Hội Nhà báo tỉnh đều có hội viên đoạt giải cao Giải báo chí quốc gia, Giải Giải Búa Liềm vàng và nhiều giải báo chí chuyên đề của Bộ ngành, của tỉnh. Tại lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ XVIII năm nay (sẽ diễn ra vào đúng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 năm nay), có ba nhóm tác giả của Quảng Ninh có tác phẩm vào vòng chung khảo, trong đó có 2 tác phẩm xuất sắc được Hội đồng Giải báo chí quốc gia năm nay trao giải C. Đây là giải thưởng danh giá, là niềm tự hào của tổ chức Hội Nhà báo tỉnh và đội ngũ những người làm báo trên địa bàn.
Từng đoạt nhiều giải tại Giải báo chí toàn quốc và của tỉnh, nhà báo Phạm Thị Thủy, Phòng Biên tập Phát thanh (Trung tâm Truyền thông tỉnh), chia sẻ: Thật vinh dự và tự hào khi tại Giải báo chí quốc gia lần thứ XVIII năm nay, phóng sự “An sinh là an dân” đã được Hội đồng Giải báo chí quốc gia trao giải C. Đây là tâm huyết của cả nhóm chúng tôi với loạt phóng sự 3 kỳ, kéo dài 25 phút. Điều khiến tôi tâm đắc là cách thức thể hiên tác phẩm với ăm ắp âm thanh, tiếng động nền và âm nhạc sinh động. Chúng tôi rất kỳ công cho việc dựng hậu kỳ và dẫn thực tế để đạt được hiệu quả như mong muốn. Qua tác phẩm, thông điệp mà chúng tôi muốn gửi tới là các chính sách an sinh của tỉnh Quảng Ninh đã góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào công cuộc đổi mới mới tại Quảng Ninh. Để tài này dù được rất nhiều đồng nghiệp khai thác nhưng chúng tôi cho rằng, quyết định là ở cảm xúc tác phẩm mang đến cho người nghe. Và chúng tôi sẽ cố gắng hơn để làm tốt hơn điều đó trong các tác phẩm sau.
Sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình báo chí đang trở thành thước đo về bản lĩnh, cơ hội và thách thức đối với những người làm báo hiện đại. Điều đó đòi hỏi mỗi phóng viên phải luôn phấn đấu, không ngừng học tập, nâng cao kiến thức, bản lĩnh vững vàng, trau dồi đạo đức, nghiệp vụ, để tròn vai thư ký thời đại.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo tỉnh Đỗ Ngọc Hà, nhấn mạnh: Để tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh tiếp tục bám sát mục tiêu phát triển theo định hướng mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định đó là xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Hội sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại cho hội viên, nhà báo, phóng viên về kỹ năng làm báo trong kỷ nguyên số, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động báo chí. Đặc biệt, nâng cao nhận thức sâu sắc trách nhiệm của người làm báo, ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, bám sát định hướng của tỉnh, sáng tạo những tác phẩm báo chí chất lượng cao, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có “Thiên nhiên tươi đẹp – Văn hóa đặc sắc – Xã hội văn minh – Hành chính minh bạch – Kinh tế phát triển – Nhân dân hạnh phúc”; con người Quảng Ninh “Bản lĩnh – tự cường – đoàn kết – sáng tạo – hào sảng – văn minh”.
Với sự trách nhiệm, tâm huyết và yêu nghề, những người làm báo Quảng Ninh đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành “cầu nối” phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đến với Đảng, Nhà nước và góp phần lan tỏa, quảng bá những hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của quê hương Quảng Ninh đến với bạn bè trong nước và quốc tế.