Trước thực trạng quy hoạch “treo”, quy hoạch quá thời hạn nhưng không được triển khai gây khó khăn cho người dân, đại biểu Quốc hội đề nghị cần có quy định các cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư có trách nhiệm rà soát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện quy hoạch theo định kỳ để kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội từng giai đoạn.
Thống nhất hóa các quy định về quy hoạch đô thị và nông thôn
Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 20/6, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Phát biểu thảo luận tại Tổ 8, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) bày tỏ nhất trí với việc ban hành luật, nhằm đáp ứng các yêu cầu của Đảng và Nhà nước về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị, gắn kết chặt chẽ, kết hợp hài hòa giữa quy hoạch, phát triển đô thị với nông thôn, nhất là gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo đại biểu, với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, khu vực nông thôn thuần túy sản xuất nông nghiệp sẽ dần thu hẹp và ngày càng xuất hiện nhiều thị tứ, thị trấn theo hướng đô thị hóa ở khu vực vốn là nông thôn.
Do đó, việc thống nhất hóa các quy định về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trong cùng một luật, hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn là rất cần thiết.
Dự thảo luật quy định Bộ Xây dựng chỉ chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của hai tỉnh trở lên; quy hoạch đô thị, quy hoạch khu chức năng do Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo đại biểu Yên, việc tăng cường phân cấp cho các địa phương tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới sẽ tạo điều kiện để các địa phương, cơ quan chủ động trong công tác quy hoạch, đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, từng khu vực theo từng giai đoạn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ lập, thực hiện dự án đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng dự thảo luật cần có thêm quy định về chế tài đối với cơ quan, tổ chức khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định về rà soát và điều chỉnh quy hoạch.
Khi nghiên cứu quy định tại Khoản 1 Điều 43 dự thảo luật, đại biểu nhận thấy luật đã đề cập đến nội dung: Định kỳ hoặc khi xuất hiện các điều kiện điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch đô thị và nông thôn phải được xem xét rà soát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện để kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội từng giai đoạn.
Theo đại biểu, việc quy định các cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư có trách nhiệm rà soát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện quy hoạch theo định kỳ và khi xuất hiện các điều kiện điều chỉnh quy hoạch để kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội từng giai đoạn là cần thiết, bởi thực tế hiện nay, tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch quá thời hạn nhưng không được triển khai thực hiện gây khó khăn cho người dân trong việc ổn định cuộc sống.
Một trong những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên đó là pháp luật hiện hành về quy hoạch chưa có sự thống nhất, đồng bộ, chưa có quy định làm rõ cơ chế kiểm tra, giám sát về thực hiện công tác quy hoạch, chưa kiên quyết làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch.
Do đó, đại biểu kiến nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo luật nội dung quy định về kiểm tra, giám sát công tác quy hoạch; trách nhiệm và chế tài xử lý đối với cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về rà soát và điều chỉnh quy hoạch để góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng quy hoạch treo hiện nay.
Quy hoạch không gian ngầm để tận dụng không gian đô thị
Tham gia góp ý vào nội dung quy hoạch không gian ngầm được đề cập trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã dành nguyên Điều 34 để quy định những yêu cầu, nguyên tắc cơ bản liên quan lập quy hoạch không gian ngầm.
Tuy nhiên, theo đại biểu, dự thảo luật có đồng thời “quy hoạch không gian ngầm” và “quy hoạch hạ tầng kỹ thuật”, trong khi đó đối với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật cũng tồn tại việc quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm (bao gồm các công trình đường ống, cáp nước/thoát nước, cấp nhiệt, khí và công trình đường dây cấp điện, thông tin liên lạc, cáp quang…) dẫn đến có sự giao thoa, chồng lấn nội dung quy hoạch.
Theo đó, đại biểu đề nghị xem xét nghiên cứu cập nhật thêm một số quy định liên quan đến nội dung còn chồng lần, giao thoa này giữa các quy hoạch để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Cũng bày tỏ ủng hộ sự cần thiết bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm đối với các đô thị trực thuộc tỉnh và quy định quy hoạch không gian ngầm được lập riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, do các đô thị này quy mô dân số lớn, quỹ đất xây dựng lại hạn chế, nên quy hoạch không gian ngầm sẽ góp phần giúp tận dụng cả về chiều cao lẫn chiều sâu của không gian đô thị.
Việc lập riêng quy hoạch không gian ngầm đối với thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tối ưu hóa trong khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khai thác quỹ đất tại khu vực trung tâm, tạo điều kiện để thu hút, thúc đẩy sớm các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng ngầm gắn với hệ thống giao thông ngầm.
Qua đó, hướng tới đồng bộ, hiện đại về hạ tầng kỹ thuật và khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đất đai, giữ gìn các giá trị văn hóa lịch sử, nhất là vùng lõi đô thị cổ cần bảo tồn.
Tham gia góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) quan tâm đến trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn, quy định ở Điều 15.
Tại khoản 1 điều này, quy định trình tự quy hoạch gồm 5 nội dung. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm 1 nội dung là “Lấy ý kiến về quy hoạch đô thị và nông thôn”.
Về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị và nông thôn tại Điều 16, đại biểu đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch đô thị mới có dự kiến hình thành thành phố, thị xã mới thuộc tỉnh.
Về “thời hạn quy hoạch” trong các Điều 20, 21, 22, 23, 26, 27, 28, 31, 32, 33, 34, 35, đại biểu Tiến đề nghị xem xét lại, khi tại khoản 2 Điều 8 Luật Quy hoạch năm 2017 quy định là “thời kỳ quy hoạch”.
Mặt khác, thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm. Tầm nhìn của quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là từ 20-30 năm.
Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch 2017, thống nhất với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện.