Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 19/6, trong phiên làm việc chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân.
Cho ý kiến vào dự án Luật Phòng không nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị đây là luật mới, nên những từ ngữ, thuật ngữ sử dụng trong luật cần làm rõ và tiếp tục rà soát, giải thích để đảm bảo khi được ban hành. Đối với điều 5 về nhiệm vụ phòng không nhân dân, trong khoản 2 cần bổ sung quy trình các bước sơ tán, phân tán người, tàn sản. Tại điều 13 về thời hạn huy động lực lượng phòng không nhân dân, đại biểu đề nghị thời hạn huy động phải xem xét, tính toán cụ thể để đảm bảo cho công tác diễn tập, huấn luyện. Điều 29 về đăng ký sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, đại biểu cho rằng quy định phải có giấy phép tương ứng và phải có kiến thức về hàng không, đối tượng từ 18 tuổi trở lên là quá chặt chẽ. Đặc biệt là kiến thức về hàng không đối với người sử dụng phương tiện bay siêu nhẹ hiện nay chủ yếu là dùng bằng công nghệ, như: drone, fly cam chủ yếu sử dụng bằng công nghệ để điều khiển. Do vậy, tiêu chí đưa ra khó áp dụng được trong thực tiễn.
Tại khoản 4, quy định tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động ngoài khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay ở cự ly ngắn, độ cao dưới 50 mét, theo đại biểu, giới hạn độ cao là tương đối khó xác định và cũng khó quản lý. Do vậy, cần có quy định theo tiêu chí là trọng lượng của phương tiện bay hoặc là trọng tải, trọng lực tối đa mà thiết bị bay có thể mang theo để xác định được tiêu chuẩn và tiêu chí về quy định đối với phương tiện về khu vực, phạm vi cấm bay.
Cho ý kiến vào nội dung dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng quy định về phòng cháy chữa cháy hiện nay mặc dù áp dụng cả những tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế nhưng thực tiễn các vụ cháy vẫn xảy ra. Do vậy, các quy định chặt chẽ là cần thiết để việc tuân thủ của người dân, doanh nghiệp được nâng cao, hạn chế thấp nhất các trường hợp cháy nổ đáng tiếc xảy ra. Về phòng cháy chữa cháy cũng cần chú ý đến các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, để đưa ra các yêu cầu, quy định về phòng cháy chữa cháy cụ thể.
Cũng liên quan đến nội dung dự thảo luật này, đại biểu Ngô Hoàng Ngân, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng tại điều 15 về nghiệm thu và kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy cần bổ sung nội dung nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy là chủ đầu tư dự án, công trình tổ chức về nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy. Đại biểu lý giải, do chủ đầu tư dự án, công trình trực tiếp chỉ đạo vấn đề thi công và trực tiếp nghiệm thu để đảm bảo các yêu cầu.