Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo, xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Top 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu, chỉ Hoa Kỳ có dấu hiệu tích cực
Chia sẻ tại Hội nghị toàn thể hội viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) năm 2024 diễn ra sáng 10/6, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP cho biết, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số các sản phẩm chính, có mực, bạch tuộc và các loại cá khác (cá biển, cá nước ngọt) có giá trị xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giảm lần lượt 1% và 3%. Xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ, lần lượt tăng 7% và 4%, trong khi xuất khẩu cua ghẹ tăng mạnh nhất (+84%), cá ngừ cũng tăng tích cực (+22%), xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng 13%.
Trong Top 4 thị trường hàng đầu, chỉ có thị trường Hoa Kỳ có dấu hiệu tích cực hơn với tăng trưởng 7%, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%.
Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ 5 tháng đầu năm đạt 605 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Top 3 mặt hàng chiếm tỷ trọng chi phối là tôm, cá ngừ, cá tra. Các mặt hàng có tăng trưởng và có xu hướng khả quan trong thời gian tới gồm cá tra (+18%), cá ngừ (+29%), cua (+36%), nhuyễn thể có vỏ (+27%).
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) 5 tháng đầu năm 2024 đạt 580 triệu USD, giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, riêng doanh số sang thị trường Trung Quốc là 503 triệu USD, tăng 8%. Tôm và cá tra là mặt hàng chủ lực sang thị trường Trung Quốc, chiếm lần lượt 42% và 35%. Xuất khẩu cá tra giảm sâu 44% (chủ yếu giảm phân khúc cá phi le, trong khi cá nguyên con và bong bóng cá tra vẫn tăng). Trong khi đó, xuất khẩu tôm tăng 40% nhờ tăng mạnh tôm hùm và tôm chân trắng.
Xuất khẩu các sản phẩm cá biển sang thị trường Trung Quốc giảm gần 40%. Bù lại xuất khẩu cua sang thị trường này bứt phá gấp 7 lần cũng nhờ tăng mạnh cua sống phục vụ cho phân khúc dịch vụ, nhà hàng, khách sạn của thị trường này.
5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt 582 triệu USD, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu thủy sản sang EU đạt gần 380 triệu USD, tăng nhẹ gần 1% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hàn Quốc đạt gần 300 triệu USD, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Dự báo, xuất khẩu thủy sản sẽ thu về 4,4 tỷ USD trong 2 quý đầu năm
Theo VASEP, các tuyến vận tải biển huyết mạch của thế giới từ Biển Đỏ đến vịnh Aden bị ảnh hưởng nặng nề do xung đột địa chính trị ngày càng leo thang ở Trung Đông. Lâu nay, eo biển Mandab – một trong những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới với năng lực xử lý khoảng 15% giá trị thương mại hàng hải toàn cầu – đã bị gián đoạn đáng kể do các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào các tàu hàng trong thời gian qua. Phần lớn các tàu hàng vẫn tránh di chuyển vào khu vực Biển Đỏ, với số lượt di chuyển hàng ngày giảm 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, lượng thủy sản tồn kho ở các thị trường, bao gồm cả các mặt hàng như tôm, cá, surimi vẫn là một cản trở chính đối với chiến lược của các nhà kinh doanh nhập khẩu thủy sản trong năm nay.
Việc giải phóng hàng tồn kho cũng gây thêm áp lực cạnh tranh về giá đối với hàng mới nhập. Ví dụ, tại Nhật Bản tồn kho tôm trên toàn quốc đạt mức trần 65.654 tấn vào tháng 11/2022 và sau đó giảm dần xuống còn 48.123 tấn vào năm 2023. Tính đến cuối năm 2023, tổng tồn kho đạt 47.218 tấn.
Tuy vậy, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Kỳ vọng sau quý II, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại vào quý III, là thời điểm nhu cầu cao phục vụ lễ Tết cuối năm.
“Sự phục hồi chậm và dè dặt của các thị trường, áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu và nguồn cung cùng với những khó khăn trong sản xuất chế biến trong nước như chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt… đang và sẽ tiếp tục tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024”, VASEP đánh giá.
Theo ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức, xuất khẩu thủy sản Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024 đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước… các mặt hàng và thị trường xuất khẩu đều tăng nhẹ cho thấy có sự phục hồi so với năm 2023. Dù chưa bằng cùng kỳ năm 2022, nhưng đây được đánh giá là kết quả đáng khích lệ trên con đường phục hồi và phát triển của ngành.
Dự báo quý II và thời gian còn lại của năm 2024, sự phục hồi của xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn do những rủi ro và yếu tố bất định trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Việc thực hiện hữu hiệu các giải pháp để giải quyết các vấn đề, vượt qua thách thức và hướng đến mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm 2024 đang là vấn đề đặt ra.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị VASEP từ nay đến cuối năm 2024 tập trung thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong tiếp cận, mở rộng thị trường, tuân thủ quy định thị trường. Đồng thời, thông báo kịp thời tới Bộ, ngành liên quan về các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu để xử lý kịp thời, chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu; Tiếp tục vận động Hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất, đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng mô hình hiệu quả, phát triển thị trường, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật…
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp tôm, cá tra, hải sản cũng trình bày các tham luận về nhu cầu thị trường và mục tiêu xuất khẩu tôm năm 2024, kiến nghị xây dựng hình ảnh và marketing cho cá tra Việt Nam, kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất xuất khẩu cá ngừ, tiềm năng xuất khẩu mực – bạch tuộc, surimi của Việt Nam, những nỗ lực của Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong tháo gỡ thẻ vàng IUU…