Sáng 10/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06, và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Trần Lưu Quang; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những “điểm sáng” của chuyển đổi số ở nước ta trong thời gian qua, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, tích cực, hiệu quả. Việc triển khai Đề án 06 đã mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, ngành, địa phương và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Đề án 06 đã đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đổi mới phương thức quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Trong quá trình xây dựng và triển khai Đề án 06 suốt hơn 2 năm qua, chúng ta đặc biệt ghi nhận và trân trọng cám ơn những đóng góp to lớn, vai trò cá nhân quan trọng của đồng chí Đại tướng Tô Lâm, nguyên Bộ trưởng Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 và đồng chí Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, nguyên Thứ trưởng Công an, Tổ phó Tổ Công tác đối với Đề án 06. Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được của Đề án 06, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, “ngủ quên trong chiến thắng”.
Cách đây 1 năm, trong quá trình triển khai Đề án 06, chúng ta đã nhận diện nhiều khó khăn, thách thức và “điểm nghẽn” cần phải tập trung tháo gỡ ngay, liên quan đến pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh, an toàn, nguồn lực… Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ (Văn bản số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023). Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị yêu cầu thực hiện đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu thuế, ngân hàng, viễn thông… để định danh, xác thực cá nhân, tổ chức trên môi trường điện tử; phòng ngừa hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới (Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023).
Với mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch; hình thành hệ sinh thái công dân số và cung cấp nhiều tiện ích cho người dân; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
Nêu rõ, tại Hội nghị này chúng ta tập trung sơ kết 1 năm triển khai tháo gỡ các “điểm nghẽn” của Đề án 06 và thực hiện nhiệm vụ tại Chỉ thị số 18, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào các vấn đề:
Thứ nhất, đánh giá một cách thẳng thắn, khách quan, có số liệu minh chứng cụ thể về kết quả thực hiện nhiệm vụ được đề ra tại Văn bản số 452 và Chỉ thị số 18 với tinh thần là “không tô hồng, không bôi đen”; nêu bật những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc; đặc biệt cần phát hiện được nguyên nhân, phân tích rõ các bất cập thì mới xây dựng được giải pháp hữu hiệu để hóa giải, chuyển đổi trạng thái (như về thể chế, chính sách, đầu tư phát triển hạ tầng số, xây dựng nền tảng số, phát triển nhân lực số, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin…).
Thứ hai, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của các cấp, ngành và địa phương trong triển khai Đề án 06 và Chỉ thị số 18 (như phát triển hạ tầng số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; kết nối chia sẻ thông tin, liên thông các hệ thống thông tin hình thành dữ liệu lớn, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử…).
Thứ ba, chỉ ra bài học kinh nghiệm, xác định rõ các quan điểm, phương hướng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong ngắn hạn và dài hạn; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ đạo mới, bài bản và hiệu quả hơn nữa.
Bộ Công an cho biết, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo Đề án 06: đã được Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt, thể hiện bằng 5 Chỉ thị, 2 Công điện về tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng và ứng dụng Đề án 06 phòng, chống tội phạm tín dụng đen; đưa các nội dung của Đề án 06 vào Nghị quyết thường kỳ Chính phủ hàng tháng; Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 4 Hội nghị trực tuyến toàn quốc.
Các Phó Thủ tướng Chính phủ được phân công phụ trách trực tiếp giao ban 10 buổi định kỳ, đột xuất với Tổ Công tác và các bộ, ngành để chỉ đạo giải quyết từng nhiệm vụ cụ thể. Thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách.
Tổ Công tác triển khai Đề án của Chính phủ phát huy vai trò thường trực, duy trì giao ban hàng tháng và trực tiếp làm việc với từng bộ, ngành để bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Kiện toàn, bổ sung 5 đồng chí Bộ trưởng các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Tư pháp, Nội vụ là Thành viên Tổ công tác. Định kỳ hằng tháng tổ chức họp giao ban Tổ công tác để đánh giá, kiểm điểm kết quả triển khai của các đơn vị (11 cuộc). Có văn bản đôn đốc các bộ, ngành là thành viên Tổ Công tác đối với các nhiệm vụ chậm tiến độ, những “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06/CP.
Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 06 năm 2024; 55/63 địa phương đã tham mưu với Tỉnh ủy/Thành ủy ban hành Chỉ thị đẩy mạnh triển khai Đề án 06, nhiều địa phương có các cách làm hay, sáng tạo như Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Bình Dương, Khánh Hòa, Nghệ An…
Về cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, các bộ, ngành, địa phương đã cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư: đã đơn giản hóa 763/1.084 thủ tục hành chính được giao tại 19 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ (đạt 70%), trong đó, có 7/19 bộ, ngành đã thực hiện 100% phương án đơn giản hóa. Công bố, cập nhật công khai các thủ tục hành chính: tỷ lệ công bố thủ tục hành chính đúng hạn đạt cao nhất tại các bộ, ngành đạt 14,28%; tỷ lệ đồng bộ công bố, công khai quá trình giải quyết thủ tục hành chính đạt 66%. Tại địa phương, tỷ lệ công bố thủ tục hành chính đúng hạn đạt 75%, tỷ lệ đồng bộ công khai quá trình giải quyết thủ tục hành chính đạt 43,25%.
Đối với đề xuất mức phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính theo hướng ưu đãi khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến: Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Thông tư quy định về phí, lệ phí của Bộ Tài chính nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến (mức giảm từ 50% đến 80% đối với 8 khoản phí, lệ phí đến hết năm 2025). Đã có 62/63 địa phương ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân miễn giảm phí, lệ phí; trong đó, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết quy định mức thu bằng ‘‘không’’ đến hết 31/12/2025 đối với 82 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền; Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết quy định mức thu bằng ‘‘không’’ đến hết 31/12/2025 đối với 5 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền.
Tính đến hết tháng 4/2024, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp 4.510 dịch vụ công trực tuyến (chiếm 71,7% tổng số 6.287 thủ tục hành chính), trong đó, có 3.688 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến: ở địa phương đạt 47,8%, tăng 21,9% so cùng kỳ năm 2023; ở bộ, ngành đạt 49,4%, tăng 19% so cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến: ở bộ, ngành đạt 24,11%; ở địa phương đạt 43,11% trên tổng số hồ sơ có yêu cầu nghĩa vụ tài chính.
Đến nay, đã có 15/22 bộ, ngành đã hoàn thành công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Trong đó, riêng việc cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đã giúp hằng năm tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng. Đối với 2 nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông “Đăng ký khai sinh – Đăng ký thường trú – Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử – Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng” triển khai chính thức trên toàn quốc từ 10/7/2023, giúp cắt giảm từ 21 ngày xuống còn 4 ngày làm việc, người dân chỉ khai thông tin 1 lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính. Bộ Công an, đã cấp hơn 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip và thu nhận hơn 75,16 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt hơn 53,88 triệu tài khoản (tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 71,68%)…