Các chuyên gia cảnh báo việc tham gia vào hoạt động mua vàng để đầu cơ lúc này là hết sức rủi ro nên người dân cần thận trọng để không phải gánh những khoản lỗ do chính mình tạo ra.
Nhằm tiếp tục ổn định thị trường vàng, các chuyên gia kinh tế đề xuất cần đánh thuế giao dịch vàng để tránh hiện tượng đầu cơ, găm giữ vàng miếng.
“Thuốc mới” đã có tác dụng
Sau một tuần bán vàng bình ổn thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Ngân hàng Nhà nước đã kéo giảm được đáng kể khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Mức chênh lệch đã giảm sâu từ 17 triệu đồng/lượng hiện chỉ còn khoảng 6-7 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia đánh giá cao các giải pháp Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đối với thị trường vàng. Qua đó đã ổn định giá vàng, đặc biệt thu hẹp chênh lệch giá vàng.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng giải pháp này – cùng với đẩy mạnh thanh kiểm tra doanh nghiệp vàng – đã làm giảm tình trạng đầu cơ, làm giá, tăng cường minh bạch thị trường vàng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng đó chỉ là các giải pháp tạm thời, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp hữu hiệu để thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và thế giới theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tránh hệ lụy tiêu cực của tình trạng này như buôn lậu, trốn thuế, quản lý ngoại tệ chuyển ra nước ngoài…
Tiến sỹ Trương Văn Phước – nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho rằng việc ổn định thị trường vàng cũng góp phần ổn định tỷ giá. Minh chứng là khi Ngân hàng Nhà nước cung một lượng vàng để đáp ứng nhu cầu người dân, giá vàng giảm xuống thì thị trường ngoại hối, đặc biệt tỷ giá hối đoái không còn biến động như trước.
“Tôi cho rằng đây là một thành công của Ngân hàng Nhà nước trong thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế đồng thời cũng hỗ trợ cho sự ổn định tỷ giá hối đoái của chúng ta,” ông Phước nhận định.
Đó là thành công ban đầu các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước. Song các chuyên gia cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần đánh thuế trên từng giao dịch nhằm quản lý lượng giao dịch vàng với người dân.
Theo ông Trương Văn Phước, trong bối cảnh người dân đi mua vàng để đầu cơ và tích trữ, đến một lúc nào đó, nhà nước cũng có thể sử dụng thuế như một công cụ để không chỉ thu nhập mà còn là điều tiết hành vi của người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng việc đánh thuế vào đầu tư vàng không chỉ là đảm bảo sự bình đẳng giữa các kênh đầu tư mà còn là một trong những giải pháp tạo điều kiện cho giá vàng cũng như thị trường vàng về mức ổn định.
Ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng dùng các biện pháp hành chính chưa chắc đã có hiệu quả bằng việc đánh thuế vừa phải để cho những người kinh doanh trong nước có lợi và hạn chế tình trạng buôn lậu.
Giới chuyên môn cũng đánh giá ngoài giải pháp trên, về lâu dài cần có giải pháp căn cơ hơn, xây dựng giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp hơn, trong đó cần đẩy nhanh sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24).
Các chuyên gia kiến nghị sắp tới việc giá cả bao nhiêu sẽ để thị trường quyết định. Ngân hàng Nhà nước với tư cách nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc gia, mà vàng là tài sản có nguyên liệu do thị trường quốc tế quyết định, nên giữ quyền xuất nhập khẩu vàng. Còn việc chế biến gia công trao lại cho doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng có điều kiện.
“Như vậy chúng ta sẽ chứng kiến sự điều tiết của thị trường vàng theo quy luật cung cầu và giá cả chắc chắn sẽ không có sự chênh lệch như thời gian vừa qua. Dần dần người dân sẽ rời xa vàng vật chất,” ông Phước nói.
Cần coi vàng là hàng hóa bình thường
Cũng có ý kiến đề xuất khi vàng là mặt hàng không khuyến khích thì có thể xem xét hạn chế số lượng vàng miếng bán ra cho người dân.
Về vấn đề này, theo quan điểm của ông Phước, việc cung ứng vàng ra thị trường, kéo giá vàng xuống là nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ. Bên cạnh vàng, Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước còn phải cân đối nhiều mặt hàng khác rất thiết yếu cho đời sống của người dân.
“Nếu một hôm không cầm thỏi vàng thì chắc chắn chúng ta vẫn sống. Nhưng nếu một hôm chúng ta không có xăng dầu, không có phân bón, gạo, nhu yếu phẩm thì sẽ thế nào…” ông Phước chia sẻ.
Chung quan điểm, một chuyên gia cho rằng cần phải sớm chấm dứt hình thức can thiệp bán vàng này. Bởi để đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thì sẽ phải nhập khẩu vàng và tiêu tốn nguồn lực ngoại tệ, ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối nhà nước. Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, nhập khẩu khoảng 400 tỷ USD/năm, không thể dành lượng ngoại hối riêng cho vàng khi còn nhiều mặt hàng thiết yếu khác trong nền kinh tế.
“Vừa qua Ngân hàng Nhà nước thăm dò chính sách thành công, giờ là lúc cần phải có một khuôn khổ pháp lý mới để thay thế, ổn định thị trường này và xem vàng chỉ là mặt hàng thông thường để có giải pháp ứng xử cho phù hợp. Theo đó, trả lại cho Ngân hàng Nhà nước các chức năng căn bản đó là điều hành chính sách tiền tệ, cung ứng tiền cho nền kinh tế,” vị chuyên gia trên nhận định.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo lúc này người dân cần hết sức thận trọng vì chỉ một động thái Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngưng mua vàng cho dự trữ thì giá vàng mỗi đêm giảm xuống từ 80 đến 100 USD… Dĩ nhiên tài sản là quyền của công dân, pháp luật không cấm mua bán nhưng nên thận trọng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Mùi nhấn mạnh người dân cần rất cân nhắc trong bối cảnh hiện nay, khi có nhiều kênh đầu tư có thể kiếm lời cho những người dân có nguồn vốn hạn chế. Chẳng hạn như với những người không dư giả về kinh tế thì gửi tiền tiết kiệm là kênh phù hợp, nhất là trong bối cảnh lãi suất đang có dấu hiệu tăng./.