Vừa qua, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với UBND huyện Bình Liêu tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản diễn xướng Then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng”. Hội thảo đã định vị Then Tày trong dòng chảy lịch sử – văn hoá Việt Nam, đề xuất phương hướng bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị trong phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nói chung.
Bên lề hội thảo, phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Phạm Đức Anh, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển.
– Thưa ông, hội thảo vừa qua đã gặt hái được những nội dung gì đáng chú ý nhất?
+ Hội thảo đã đạt được mục tiêu tập hợp ý kiến của các chuyên gia liên quan đến việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản Then Tày Bình Liêu trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng, nêu bật vai trò và giá trị của Then trong phát triển bền vững văn hóa, xã hội và kinh tế của huyện. Đồng thời, chỉ rõ cơ hội và thách thức đặt ra đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản Then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng.
Hội thảo đã tập trung nghiên cứu, định vị Then Tày Bình Liêu trong dòng chảy văn hóa Việt Nam nói chung, trong không gian văn hóa Then và văn hóa Tày – Thái nói riêng; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo vệ, trao truyền, quảng bá, phát huy, phát triển các giá trị Then của người Tày huyện Bình Liêu trong bối cảnh hiện nay. Và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khai thác diễn xướng Then phục vụ phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu nói riêng, khu vực cư trú các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày – Thái ở Việt Nam nói chung.
Trước đó, chúng tôi đã mời các nhà khoa học tham gia điền dã thực tế nghi lễ lẩu Then khao binh tại thôn Ngàn Vàng Dưới, xã Đồng Tâm, tham quan các câu lạc bộ hát then – đàn tính và một số di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Bình Liêu.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 23 bài tham luận từ 28 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nghệ nhân trong và ngoài tỉnh. Mặc dù số bài viết ít nhưng Ban Tổ chức đã tập hợp sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nghệ nhân hàng đầu về Then hiện nay. Các tham luận với nhiều hướng tiếp cận khác nhau đã phản ánh những góc nhìn đa dạng về Then Tày ở Bình Liêu.
– Đó là những hướng tiếp cận cụ thể như thế nào với Then Tày Bình Liêu, thưa ông?
+ Nội dung các tham luận đã đề cập đến nhiều góc độ, nhiều vấn đề của Then Tày Bình Liêu, Then Tày Bình Liêu trong mối quan hệ tác động qua lại với du lịch và du lịch cộng đồng. Các tác giả từ nhiều chuyên ngành khác nhau tiếp cận, nghiên cứu về Then Tày Bình Liêu từ nhiều góc độ, nhiều quan điểm, sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau, cả đơn ngành lẫn đa ngành, liên ngành, có bài chi tiết, chuyên sâu, có bài tổng hợp, khái quát…
Trên cơ sở tôn trọng quan điểm, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của các tác giả, chúng tôi đã đọc, thẩm định nội dung và tạm sắp xếp các bài tham luận nhận được vào 2 nhóm/chủ đề sau: Chủ đề thứ nhất là “Then Bình Liêu trong không gian văn hóa Việt Nam” tập hợp 9 báo cáo, đề cập đến nhiều khía cạnh của Then Tày Bình Liêu, như: Thực hành Then của dân tộc Tày huyện Bình Liêu; nguồn gốc Then Tày, đặc trưng của Then Tày ở Bình Liêu; thực hành Then từ không gian thiêng đến không gian sân khấu; bảo vệ, trao truyền và quảng bá Then Tày ở Bình Liêu…
Và chủ đề thứ hai “Then Bình Liêu trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng” gồm 13 báo cáo, đề cập đến các khía cạnh, mối liên hệ qua lại giữa Then Tày và du lịch cộng đồng ở Bình Liêu, từ kinh nghiệm giảng dạy Then Tày trong bối cảnh mới hiện nay; nâng cao chất lượng âm nhạc cho Then Tày ở Bình Liêu; quy trình phát huy các giá trị Then Tày phục vụ phát triển du lịch cộng đồng; vận dụng kinh nghiệm từ một số quốc gia phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc trong việc sử dụng nguồn tài nguyên văn hóa phục vụ phát triển du lịch…
Tuy nhiên, những cách phân chia, sắp xếp các bài tham luận theo 2 chủ đề trên chỉ mang tính tương đối, vì nội dung và vấn đề của các tham luận luôn được các tác giả xâu chuỗi, liên kết chặt chẽ để luận giải, nhằm làm sáng rõ chủ đề của bài viết. Đặc biệt, hầu hết các bài tham luận đều được bắt đầu bằng nghiên cứu, đánh giá, nhận định… về Then Tày ở Bình Liêu, trên cơ sở đó đưa ra các đề xuất giải pháp bảo vệ, phát huy, phát triển Then Tày Bình Liêu trong thời điểm hiện tại và tương lai hoặc trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng…
– Tôi rất chú ý đến nội dung định vị Then Bình Liêu trong dòng chảy văn hoá. Vậy thưa ông, có thể hiểu câu chuyện này như thế nào?
+ Then là một loại hình di sản văn hóa đặc sắc của người Tày, Nùng, Thái và một vài dân tộc khác trong nhóm ngôn ngữ Tày – Thái, ngữ hệ Thái – Kadai ở Việt Nam. Then có nguồn gốc từ lâu đời, gắn với quá trình con người khai phá đất đai, tạo lập làng bản. Then đồng hành với con người trong đời sống sản xuất. Then đi vào đời sống văn hóa, là bệ đỡ tinh thần để con người vượt qua những khó khăn, bất trắc trong cuộc sống.
Có thể nói, Then thể hiện đời sống văn hóa vô cùng phong phú của con người, là kết tinh của nền văn minh của các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Với vai trò quan trọng đó, Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở hầu hết các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bình Liêu là một huyện nằm ở phía Bắc của Quảng Ninh, có đồng bào dân tộc Tày chiếm 50,13% dân số toàn huyện. Trải qua nhiều trăm năm cộng cư, các dân tộc anh em đã cố kết cùng nhau trong công cuộc khai khẩn đất đai, bảo vệ biên cương, phát triển kinh tế, tạo lập nên một cơ tầng văn hóa phong phú, đa dạng, vừa tương đồng vừa khác biệt.
Người Tày cư trú ở Bình Liêu thuộc nhóm Tày Phén hay Tày áo nâu. Người Tày ở đây gọi Then là “Slin”, phụ nữ làm Then gọi là “mè Slin”, đàn ông làm Then gọi là “pò Slin”. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài lưu giữ, trao truyền và phát triển, Then Tày ở Bình Liêu hiện cũng tồn tại dưới 2 hình thức: Then tín ngưỡng và Then văn nghệ. Then tín ngưỡng hay còn gọi là Then cổ, là loại hình Then có nguồn gốc từ cổ xưa, được các thầy Then thực hành để phục vụ mục đích tín ngưỡng của cộng đồng. Then văn nghệ hay còn gọi là Then mới, là loại hình Then ra đời từ giữa thế kỷ XX dựa trên chất liệu của Then tín ngưỡng, mang trong mình hơi thở của thời đại.
– Vậy còn những đóng góp mới từ hội thảo cho du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm văn hoá là gì?
+ Hội thảo đã đem lại những ý tưởng sáng tạo và đề xuất giải pháp thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị lâu dài cho cộng đồng và ngành du lịch văn hóa ở Bình Liêu nói riêng, Quảng Ninh nói chung. Chương trình hội thảo đã tạo ra một không gian trao đổi và học hỏi sâu sắc, đồng thời góp phần thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển văn hóa của địa phương. Sự tham gia tích cực của Viện đã mang lại những ý tưởng sáng tạo và đề xuất giải pháp thực tiễn, từ đó mang lại giá trị lâu dài cho cộng đồng và du lịch văn hóa ở Bình Liêu và Quảng Ninh.
– Ông hy vọng điều gì sau hội thảo này?
+ Hy vọng sau hội thảo, vấn đề bảo vệ, phát huy, phát triển Then của người Tày ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa. Then sẽ tiếp tục được bảo vệ và phát triển, có những đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của du lịch cộng đồng nói riêng, sự phát triển bền vững của huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Với định hướng của mình, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển luôn chú trọng và gắn kết, sẵn sàng phối hợp với các địa phương nhằm hỗ trợ, xây dựng các chính sách bảo tồn, khai thác phục vụ cho kinh tế, xã hội, văn hoá và phát triển du lịch, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của du lịch cộng đồng.
– Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!