Theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, ngày 5/6, Quốc hội tiến hành chất vấn về lĩnh vực công thương, kiểm toán và văn hóa, thể thao, du lịch.
Trong phiên họp buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Công Thương và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham gia giải trình trước Quốc hội về việc sử dụng công nghệ để giải quyết các mặt trái của thương mại điện tử và bảo vệ dữ liệu cá nhân khi tham gia thương mại điện tử. Tiếp đó, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán.
Nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện kết luận của kiểm toán trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, hiện nay, việc thực hiện kết luận của kiểm toán được các cơ quan quan tâm; đặc biệt sau khi Quốc hội thực hiện giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành, tiết kiệm chống lãng phí, tiến độ và ý thức chấp hành trong thực hiện kết luận của Kiểm toán cao hơn. Tuy nhiên, theo thống kê vẫn còn hơn 67.000 tỷ đồng liên quan đến kết luận kiểm toán chưa được thực hiện, trong đó nguyên nhân từ đơn vị được kiểm toán chiếm 59,46%.
Ông Ngô Văn Tuấn cho biết, kiến nghị kiểm toán chậm được thực hiện có 4 nhóm nguyên nhân, trong đó có trên 59% thuộc về đơn vị được kiểm toán, 24% thuộc về bên thứ ba, 16% thuộc về nguyên nhân khác và 0,4% thuộc về kiểm toán. Theo Nghị quyết 74 của Quốc hội thì nguyên nhân chậm trễ thực hiện kiến nghị kiểm toán nói riêng và kỷ cương kỷ luật tài chính nói chung, ngoài nguyên nhân cơ chế, chính sách…, cơ bản vướng ở khâu tổ chức thực hiện; thể hiện ở ý thức, tinh thần trách nhiệm, tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, công tác phối hợp…
Trong những nguyên nhân chậm thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán, có nguyên nhân do kiến nghị của kiểm toán chưa tâm phục, khẩu phục và đơn vị được kiểm toán đang khiếu nại theo quy định của luật; có những kết luận, kiến nghị kiểm toán đúng nhưng không thể thực hiện được; hoặc là do đơn vị chưa thực hiện.
Thời gian tới Kiểm toán Nhà nước sẽ nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán. Trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; nâng cao năng lực, trình độ của kiểm toán viên; tăng cường kiểm tra, giám sát; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các đoàn kiểm toán.
Tham gia trả lời chất vấn về giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và thanh tra, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính thực hiện đúng quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước về quản lý chất lượng kiểm toán và không trực tiếp thực hiện kiểm toán. Theo đó, Bộ Tài chính quản lý chất lượng kiểm toán thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách, chiến lược, thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức kiểm toán này.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có giải pháp hiệu quả để khắc phục, tập trung vào vấn đề trọng tâm. Kiểm toán Nhà nước đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030; tập trung kiểm toán theo kế hoạch đã được phê duyệt, nhất là những vấn đề dư luận xã hội, đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực thi công vụ…
Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán; kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm các trường hợp chậm hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Giải bài toán phát triển kinh tế, du lịch đêm
Chiều 5/6, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về sản phẩm du lịch đêm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là vấn đề mới và khó, bởi sản phẩm du lịch là sản phẩm kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều cấp, ngành.
Để giải bài toán phát triển kinh tế, du lịch đêm, Bộ trưởng Hùng cho rằng, các địa phương cần giải bài toán quy hoạch, xác định địa điểm phát triển kinh tế đêm. Chính quyền cần có chính sách, chế độ cho những người tham gia (như diễn viên biểu diễn chương trình nghệ thuật, lực lượng đảm bảo an ninh trật tự…) và nghiên cứu phát triển thị trường. Việc này tránh tình trạng “không làm thì thiếu, làm xong lại bỏ”, rất lãng phí.
Các địa phương cũng cần phối hợp với Bộ trong phát triển một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa để tăng thêm trải nghiệm cho du khách. Chẳng hạn, các tỉnh có thể mở thêm các cửa hiệu mua sắm, sản phẩm ẩm thực… Làm được những việc này, sản phẩm du lịch đêm sẽ tránh đơn điệu và thành công hơn.
Liên quan đến giải pháp quản lý các “vụ việc vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn” thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết “đây là vấn đề nhức nhối của ngành”. Bộ trưởng nhấn mạnh “không có chuyện bao che, dung túng cho việc này” và khẳng định: Khi phát hiện, Bộ đã cương quyết xử lý và thực hiện phương châm của Đảng, Nhà nước là không có ngoại lệ, làm nghiêm theo quy định. Qua xử lý đã kỷ luật bằng phương pháp hành chính và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khác điều tra, xử lý khi có dấu hiệu tội phạm. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho công tác huấn luyện.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Quốc Quân (Long An) về giải pháp duy trì và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống, mang đậm nét văn hóa dân tộc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác này. Từ đó, các loại hình nghệ thuật truyền thống được lưu giữ, truyền dạy đến thế hệ con cháu, bảo tồn nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Để phát triển lâu dài, thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung đào tạo năng khiếu, tiếp tục phát triển loại hình này theo hướng nghệ thuật đỉnh cao, ban hành chính sách riêng, trong đó “không thực hiện tự chủ” để loại hình này được phát triển. Cấp Trung ương sẽ thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng có tính chất đỉnh cao. Theo khả năng và điều kiện, địa phương khuyến khích phát triển các loại hình theo hướng tập trung; có chính sách cho nghệ nhân – những người giữ hồn, giữ lửa cho loại hình nghệ thuật như hát bài chòi, dân ca, quan họ…, được lan tỏa trong cộng đồng, góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa dân gian.
Làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu có liên quan đến chính sách dân tộc và công tác dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai nghiêm túc và đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành. Năm 2025, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng kết toàn diện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có dự án về phát triển văn hóa; từ đó đề ra các giải pháp thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.