Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 4/6, Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Hoạt động chất vấn tại kỳ họp tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Phiên chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày. Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm của 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Tham gia tranh luận tại nội dung chất vấn đối với lĩnh vực công thương, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động thương mại điện tử, do Bộ trưởng đã đưa ra như: Hoàn thiện hành lang pháp lý, tuyên truyền phổ biến pháp luật, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành địa phương… Tuy nhiên các giải pháp về kỹ thuật công nghệ chưa được nhắc tới. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết giải pháp kỹ thuật công nghệ có được chú trọng và có được coi là giải pháp đột phá nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động thương mại điện tử trong thời gian qua cũng như thời gian tới.
Giải đáp vấn đề tranh luận của đại biểu Trần Thị Kim Nhung trong giải pháp kỹ thuật công nghệ nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tán thành cao với kiến nghị được đại biểu đưa ra. Đồng thời khẳng định đây là một trong những giải pháp quan trọng, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số hiện nay. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc triển khai giải pháp này là trách nhiệm phối hợp của rất nhiều bộ ngành, nhất là ngành thông tin truyền thông, tài chính, khoa học, công nghệ và đặc biệt, cần có sự vào cuộc của cả doanh nghiệp và người dân.
Cũng trong phiên chất vấn liên quan đến lĩnh vực công thương, các đại biểu cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các nội dung trọng tâm như: Công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trước đó, trong phiên chất vấn cùng ngày đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn các vấn đề về: Việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm… Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan đã tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề các đại biểu quan tâm.