Dù còn đứng trước nhiều khó khăn nhưng huyện Ba Chẽ đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững.
Về văn hoá vật thể, huyện Ba Chẽ có 7 di tích, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp tỉnh, 3 di tích đã kiểm kê phân loại. Huyện đã quy hoạch, tôn tạo các di tích như: Di tích đình Đồng Chức (xã Lương Mông), di tích lịch sử đình Làng Dạ (xã Thanh Lâm), di tích lịch sử Miếu Ông – Miếu Bà (xã Nam Sơn), di tích Khu căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp của tỉnh Hải Ninh tại xã Lương Mông và xã Minh Cầm.
Huyện từng bước huy động các nguồn lực trùng tu, tôn tạo Cụm di tích lịch sử Miếu Ông – Miếu Bà, chùa Trúc Lâm bảo quốc, Nhà văn hóa các dân tộc xã Lương Mông, Miếu thờ Bàn Vương (miếu thờ ông tổ của người Dao) ở thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn. Những di tích này từng bước trở thành các điểm du lịch quan trọng của huyện Ba Chẽ.
Hoạt động của các nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng vừa thắt chặt sợi dây đoàn kết trong bản làng vừa góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá và phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, toàn huyện Ba Chẽ có 30/58 thôn có đội văn hóa, văn nghệ hoạt động. Huyện đã hoàn thành xây dựng được Trung tâm Văn hoá thể thao cấp xã tại xã Nam Sơn đạt chuẩn, còn lại đang tiếp tục đầu tư các công trình khác theo lộ trình. Huyện đã hoàn thiện cơ bản việc sửa chữa, nâng cấp các nhà văn hoá thôn, xã hội hoá lắp đặt 10 hệ thống dụng cụ thể thao ngoài trời cho các cụm dân cư tập trung tại 3 xã: Lương Mông, Minh Cầm, Nam Sơn.
Đặc biệt, huyện Ba Chẽ đã xây dựng và hoàn thiện Nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng người Dao tại xã Nam Sơn là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động biểu diễn và truyền dạy hát dân ca, thêu thổ cẩm, ẩm thực dân gian, nghi lễ nhảy lửa, lễ hội Bàn Vương và các trò chơi dân gian thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng, huyện Ba Chẽ đã triển khai có hiệu quả Đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị di tích, danh thắng. Trong những năm qua, Ba Chẽ đã phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các lễ hội truyền thống và những nét đẹp văn hóa các dân tộc của địa phương. Huyện cũng đã tổ chức, duy trì và phục dựng nhiều lễ hội mang bản sắc riêng như: Lễ hội Trà hoa vàng, Lễ hội Đình Đồng Chức ở xã Lương Mông, Lễ hội Bàn Vương ở xã Nam Sơn, Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay ở xã Thanh Sơn, Chợ phiên văn hóa vùng cao xã Lương Mông, Ngày hội văn hoá dân tộc Tày.
Những lễ hội này đã góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Ba Chẽ gắn với nét văn hóa tiêu biểu, đặc trưng địa phương đến với đông đảo nhân dân và du khách trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, huyện Ba Chẽ đã thu hút trên 60.000 lượt khách đến với các lễ hội, di tích, danh thắng trên địa bàn.
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc có nhiều đổi mới, thể hiện sự mạnh dạn, đột phá của huyện. Ba Chẽ là địa phương đầu tiên trong tỉnh xây dựng và được UBND tỉnh phê duyệt một đề án bảo tồn bản sắc văn hóa người Dao gắn với phục vụ phát triển du lịch cộng đồng thực hiện tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn. Các lớp truyền dạy hát dân ca, dân vũ, thêu hoa văn của dân tộc, hát then, đàn tính, hát pả dung (hát đối), soóng cọ, chế tác và múa ka đong, múa sư tử mèo, thi các môn thể thao dân tộc cùng với một số nghi lễ đặc trưng đang từng bước được phục dựng. Những nỗ lực đó của huyện Ba Chẽ đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn.