Vườn Quốc gia Bái Tử Long (VQG) nằm trong Vịnh Bái Tử Long, là một trong 7 VQG của Việt Nam, nằm cạnh Di sản, Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Nơi đây lưu giữ những giá trị đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên đa dạng sinh học độc đáo. Tỉnh đang tích cực đẩy mạnh khai phá các giá trị, tiềm năng du lịch tại VQG Bái Tử Long để mang lại những trải nghiệm độc đáo, mới mẻ, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Đa dạng nền tảng sinh học
VQG Bái Tử Long nằm trong địa giới hành chính 3 xã: Minh Châu, Vạn Yên, Hạ Long (huyện Vân Đồn); thành lập tại Quyết định số 85/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở mở rộng và chuyển hạng từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Ba Mùn. Vườn có tổng diện tích 15.783ha, trong đó có 6.125ha các đảo nổi, 9.658ha mặt nước biển, trên 80 hòn đảo lớn, nhỏ. Nơi đây sở hữu giá trị đa dạng sinh học cao và cảnh quan vô cùng đặc sắc.
Qua nghiên cứu của các nhà khoa học, các loài động, thực vật có tại Vịnh Hạ Long hầu hết xuất hiện ở Vịnh Bái Tử Long, cho đến nay ghi nhận sự xuất hiện của 2.415 loài sinh vật, gồm 1.195 loài động thực vật rừng, 1.220 loài sinh vật biển. Trong đó có 106 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam, Danh mục đỏ Thế giới. Với những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng các hệ sinh thái, đa dạng nguồn gen cũng như thành phần loài, đặc biệt là giá trị đặc hữu của hệ sinh thái tùng, ngày 30/9/2016 Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công nhận VQG Bái Tử Long trở thành Công viên ASEAN thứ 38 trong khu vực.
Động vật hoang dã là một trong những giá trị hoang sơ tồn tại và phát triển tại VQG Bái Tử Long. Thành phần động vật hoang dã trên đảo trong phạm vi VQG Bái Tử Long gồm: Lớp thú có 24 loài thuộc 13 họ, 6 bộ; lớp chim có 71 loài thuộc 28 họ, 9 bộ; lớp lưỡng cư có 15 loài thuộc 1 họ, 1 bộ; lớp bò sát có 33 loài thuộc 12 họ, 2 bộ; côn trùng bộ cánh phấn có 120 loài, thuộc 8 họ. Nằm trong Sách đỏ có: Bồ câu nâu, báo gấm, báo lửa, sơn dương, rái cá, rùa hộp ba vạch, tắc kè, kỳ đà hoa, trăn đất…
Anh Hà Minh Chiến, cán bộ Trạm Kiểm lâm Lách Chè (Hạt Kiểm lâm VQG Bái Tử Long), chia sẻ: “Tôi có 20 năm công tác trong ngành Kiểm lâm, gắn bó khá lâu tại VQG Bái Tử Long, nên cảm nhận rõ sự đa dạng, phong phú về tự nhiên của các loài động, thực vật nơi đây. Qua tuần tra, những dấu vết của các loài động vật rừng vẫn thường xuyên xuất hiện trên đường, như lợn rừng, chăn, hươu, gà rừng…”.
Với cấu tạo địa hình, địa chất đa dạng, nên hệ sinh thái rừng của VQG rất phong phú với nhiều loài thực vật có giá trị, quý hiếm, như: Hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh nhiệt đới trên núi đá vôi; rừng lá rộng thường xanh nhiệt đới trên núi đất; rừng ngập mặn; hệ sinh thái thảm cỏ biển; hệ sinh thái rặng san hô; hệ sinh thái thung áng trong núi đá vôi… Mới đây Hội đồng thẩm định Cây Di sản Việt Nam công nhận 3 cây trâm vỏ đỏ, 3 cây trai lý và quần thể 150 cây trâm mốc tại VQG Bái Tử Long là Cây Di sản Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, nhằm tôn vinh các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học tại VQG Bái Tử Long – Vườn Di sản ASEAN.
VQG Bái Tử Long có hệ thực vật khá phong phú và đa dạng, gồm: 780 loài, 468 chi, 135 họ thuộc 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó, ngành mộc lan chiếm đa số với 729 loài, 438 chi, 114 họ; ngành dương xỉ với 16 họ, 24 chi, 45 loài; hai ngành ít loài nhất là lá thông (Psiliophyta) và ngành thông đất, mỗi ngành chỉ gặp 1 họ, 1 chi, 1 loài; ngành thông có 3 họ, 4 chi, 4 loài.
Trong chuyến nghiên cứu tại VQG Bái Tử Long đầu năm 2024, tiến sĩ Kuznetsov A.N, Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, chia sẻ: Hệ sinh thái trong VQG Bái Tử Long được bảo tồn rất tốt. Tôi đặc biệt ấn tượng với những hệ sinh thái rừng, động vật vẫn còn nguyên giá trị hoang sơ tại đây. Nơi đây là một trong những giá trị hiếm có về mặt sinh thái, không chỉ VQG này mà còn của cả Việt Nam. Chúng tôi đang lên ý tưởng có thể xây dựng khu dự trữ sinh quyển bao gồm toàn bộ Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long, mà vùng lõi là VQG Bái Tử Long, để có thể làm nổi bật được hết những giá trị tự nhiên, giá trị di sản ở nơi đây.
Không chỉ là nơi lưu giữ được cảnh quan, giá trị hệ sinh thái động, thực vật, thiên nhiên phong phú, đa dạng, VQG Bái Tử Long còn có giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử hào hùng, những nét văn hóa độc đáo, những giá trị khảo cổ có ý nghĩa về mặt khoa học, như: Đền Cửa Ông, đền Cặp Tiên, chùa Cái Bầu, đình Quan Lạn và rất nhiều đình, chùa, miếu mạo, đều là những công trình có giá trị tâm linh sâu sắc, thu hút nhiều du khách thập phương; Thương cảng cổ Vân Đồn; các di chỉ khảo cổ của nền văn hóa Soi Nhụ cách đây 1,5 vạn năm với các di vật đã được khai quật tại hang Soi Nhụ, hang Đông Trong và nhiều hang động khác trong Vịnh Bái Tử Long…
Hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và cuộc sống đời thường của người dân nơi đây có nhiều nét độc đáo, mang đậm nét văn hóa của cư dân vùng biển đảo. Nhiều món ăn hằng ngày được chế biến từ nguồn hải sản phong phú đang hình thành văn hóa ẩm thực Bái Tử Long. Những món quà lưu niệm như sá sùng, hải sâm, tu hài, nước mắm Cái Rồng đã được ghi nhận và theo chân du khách đến nhiều vùng, miền trong nước.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị sẵn có
Những lợi thế về vị trí địa lý, địa hình, địa mạo đã tạo cho VQG Bái Tử Long những giá trị đặc sắc không chỉ về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, mà còn về giá trị lịch sử, văn hóa. Đây là những tiềm năng và lợi thế để VQG Bái Tử Long chuyển hướng phát triển du lịch sinh thái trong khu vực, như: Tham quan hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn với điểm đến là các Cây Di sản; ngủ đêm trên Vịnh tại Máng Hà; lặn biển ngắm san hô tại đảo Đá Ẩy; chèo thuyền kayak tại luồng Cái Đé…
Để phát triển bền vững, nhất là phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị sẵn có, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp bảo tồn, tăng cường quản lý bảo vệ, nghiên cứu khoa học, gìn giữ các nguồn tài nguyên. Từ năm 2019 tỉnh phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái VQG Bái Tử Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tỉnh ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái rừng, biển gắn với việc khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng một cách hợp lý để phát triển du lịch sinh thái; tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo khả năng quản lý phát triển du lịch theo các quy định bảo tồn.
Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, tập huấn về phát triển du lịch sinh thái, đưa chủ trương xã hội hóa công tác bảo tồn vào thực tế cuộc sống. Từ năm 2017 đến nay, ngành NN&PTNT tỉnh phối hợp với Ban Quản lý VQG Bái Tử Long triển khai nhiều nhiệm vụ, đề án, dự án khoa học về bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG. Tiêu biểu như: Nghiên cứu nhân giống và trồng làm giàu rừng bằng loài cây lim xanh (đảo Trà Ngọ); nghiên cứu, nhân giống và trồng loài cây lá khôi (đảo Ba Mùn); nghiên cứu thử nghiệm nuôi loài hải sâm trắng tại VQG Bái Tử Long…
Lực lượng Hạt Kiểm lâm VQG Bái Tử Long thường xuyên tuần tra để bảo vệ và ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản, săn bắn, đặt bẫy bắt động vật trái phép. Các tổ, trạm của lực lượng bảo vệ rừng đổi mới cách thức, phương pháp tuần tra, tiếp cận các khu vực mới, bảo đảm bao quát được địa bàn quản lý. Bên cạnh bảo vệ rừng theo những phương pháp truyền thống, Hạt Kiểm lâm VQG Bái Tử Long đã ứng dụng GPS, ứng dụng phần mềm SMART vào thực hiện nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả kiểm soát. Thời gian tới Hạt dự kiến đầu tư ứng dụng thêm thiết bị Flycam, tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động bảo vệ rừng.
Trong công tác bảo tồn và phát triển, VQG Bái Tử Long đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước, như: Frontier, IUCN, WWF, GEF/SGP, JSCV, JGFE, VNPPA, NPC. Ông Đinh Sỹ Nguyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý VQG Bái Tử Long, cho biết: Ban siết chặt quản lý, rà soát và bảo tồn các giá trị tự nhiên sẵn có tại VQG; đề xuất UBND tỉnh phát triển hệ thống du thuyền cao cấp, tàu ngủ đêm, ca nô, thuyền buồm tham quan Vịnh Bái Tử Long và kết nối tour du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trong VQG Bái Tử Long. Để bảo tồn và phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn các giá trị sẵn có VQG Bái Tử Long, rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh, các ngành, các cấp, sự hợp tác và hỗ trợ của các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; sự hợp tác chặt chẽ, toàn diện của chính quyền và nhân dân địa phương trong việc bảo tồn, phát huy giá trị thiên nhiên, con người, văn hóa nơi đây.