Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những phương án mới để bình ổn thị trường vàng về mặt ngắn hạn, còn về mặt lâu dài sẽ nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24, cùng với việc áp dụng các công cụ quản lý nhà nước để đưa thị trường vàng bình ổn, tiến sát với thị trường thế giới.
Tiếp tục các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 29/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, bên cạnh tình hình kinh tế-xã hội có nhiều thay đổi tích cực trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, nhất là tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát, thu ngân sách nhà nước…, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, hạn chế của nền kinh tế, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường vàng, chương trình phục hồi phát triển kinh tế…
Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục các chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất… để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp.
“Đối với giải pháp này, cả giai đoạn quy mô hỗ trợ khoảng 700 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2020 là 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 là 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 là 233 nghìn tỷ đồng, năm 2023 là 196 nghìn tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2024 cũng đã trình Quốc hội đã phê duyệt chủ trương, tiếp tục giảm thuế. Trong 6 tháng cuối năm đang trình Quốc hội, nếu được thông qua giảm thuế VAT 2% thì quy mô giảm khoảng 24 nghìn tỷ đồng và cả năm có thể giảm, miễn giảm khoảng 190 nghìn tỷ đồng, trong đó gia hạn khoảng 92 nghìn tỷ đồng và miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng”, Phó Thủ tướng thông tin.
Về những động lực tăng trưởng truyền thống cũng như khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, với những mức tăng trưởng mà Việt Nam đã đạt được là khá cao so với các nước trong khu vực trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
Trong 2 năm trở lại đây, với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đã đạt được kết quả đáng khích lệ, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh vào số liệu 5 tháng đầu năm về giải ngân đạt 22,34% kế hoạch được giao, có thể nói là mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây.
Đồng thời, cùng với động lực này, Chính phủ cũng từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, thủ tục hành chính để thu hút vốn đầu tư công, kích hoạt vốn đầu tư tư trong hình thức đối tác công-tư, đạt nhiều kết quả tích cực.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ cũng đã có các giải pháp về mở rộng thương mại, tăng cường xuất khẩu, đàm phán ký kết các hiệp định FTA… để kích cầu thị trường trong nước, cùng với việc tiếp tục đầu tư vào một số lĩnh vực theo xu hướng mới như tăng trưởng xanh, tăng trưởng số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
Đối với thị trường vàng, Phó Thủ tướng cho biết, thị trường thế giới cũng có xu hướng tăng và trong nước cũng biến động tăng theo. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đối với vàng miếng SJC thì tăng cao.
Từ tháng 6/2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao Ngân hàng Nhà nước. Đến thời điểm hiện nay, Phó Thủ tướng thông tin, đã có 25 văn bản, trong đó có những công cụ can thiệp vào thị trường vàng để bình ổn thị trường vàng và đồng thời thanh tra, kiểm tra, kiểm soát.
“Vừa rồi Ngân hàng Nhà nước đã tích cực có một số giải pháp, tuy nhiên khi can thiệp thì thấy hiệu quả chưa cao. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá lại và sẽ có những phương án mới để bình ổn thị trường vàng về mặt ngắn hạn, còn về mặt lâu dài sẽ nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24 để chúng ta có giải pháp về lâu dài”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Trước mắt, theo Phó Thủ tướng, sẽ dùng công cụ thuộc quản lý nhà nước là thanh tra, kiểm tra để đánh giá một cách thực chất về hoạt động của thị trường vàng, từ đó có những giải pháp xử lý theo quy định để đưa thị trường vàng bình ổn, tiến sát với thị trường thế giới.
Bảo đảm tính liên thông trong quá trình đưa luật vào cuộc sống
Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng tham gia phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Đối với vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến đất đai, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, các ý kiến phát biểu đều liên quan đến tồn tại, hạn chế, yếu kém liên quan đến Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở.
Quốc hội đã thông qua 3 luật này, đang được Chính phủ đặt quyết tâm cao sau khi các luật đi vào cuộc sống sẽ giải quyết khoảng 60% những hạn chế, yếu kém liên quan đến 3 luật trên.
Với một số quy định luật giao Chính phủ (14 nghị định), Thủ tướng đã khẩn trương chỉ đạo, làm việc với các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp… để lắng nghe ý kiến, sự tham gia của các bộ, ngành nhằm sớm ban hành các nghị định hướng dẫn cụ thể, bảo đảm tính liên thông trong quá trình đưa luật vào cuộc sống.
Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề này được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, trong đó đã ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chiến lược về biến đổi khí hậu và có sự điều chỉnh sau khi Việt Nam tham dự COP26, trong đó xác định rõ quan điểm và mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, giải pháp tăng trưởng xanh để hiện thực hóa mục tiêu này. Chính phủ đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết liên quan đến vấn đề năng lượng.
Về các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo; đã cùng với các đối tác phát triển xác định nhu cầu của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi công bằng và cần có sự tham gia một cách công bằng của các nước phát triển.
Việt Nam cũng đã thành lập Ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ chủ trì; thành lập các tổ công tác liên quan tới giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng công bằng, thu hút đầu tư…
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh, sớm sửa đổi Luật Điện lực, trong đó sẽ đề cập đến năng lượng tái tạo, đề xuất các chính sách về kinh tế xanh.
Đồng thời, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành nghị định về mua bán điện trực tiếp với các khách hàng lớn, trong đó tập trung vào năng lượng tái tạo; sớm ban hành nghị định về điện áp mái để khuyến khích người dân tham gia đóng góp vào nguồn điện…
Thực hiện hiệu quả cải cách tiền lương, bảo đảm thống nhất, công bằng
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau một ngày thảo luận tại hội trường, đã có 57 đại biểu phát biểu, 3 đại biểu phát biểu tranh luận.
Quốc hội cũng đã dành thời gian thích hợp để các Bộ trưởng (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước), và 2 Phó Thủ tướng Chính phủ tham gia phát biểu, giải trình thêm một số vấn đề có liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đất nước ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả tích cực về kinh tế-xã hội trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.
Đồng thời, các đại biểu Quốc hội cũng nêu những bất cập, hạn chế và đề nghị nhận diện rõ hơn những thách thức để có những chỉ đạo, điều hành phù hợp, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và các mục tiêu kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024…
Các đại biểu đề nghị bám sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị trong nước và trên thế giới, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Đồng thời, triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém, có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh, có giải pháp để củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư, ổn định và thúc đẩy các thị trường phát triển bền vững…
Cùng với đó, thực hiện hiệu quả việc cải cách tiền lương, bảo đảm thống nhất, công bằng, đạt mục tiêu nâng cao thu nhập cho người lao động.
Tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục, dạy nghề, y tế, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tình trạng sạt lở, khô hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng, tình trạng ô nhiễm không khí, môi trường tại các đô thị lớn, tình hình an ninh nguồn nước tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, phòng, chống tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng…
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để đưa các nội dung quan trọng vào Nghị quyết chung của kỳ họp.