Thanh toán không dùng tiền mặt đang được thực hiện ở hầu khắp lĩnh vực, đơn vị, địa phương, góp phần vào mục tiêu chuyển đổi số toàn diện. Từ ngày 1/6/2024, Quảng Ninh tiếp tục tổ chức đợt cao điểm hỗ trợ triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có trên 170 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở cả trên bộ và trên biển. Triển khai Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 13/3/2024 của UBND tỉnh về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh năm 2024, trong đó có nhiệm vụ “100% cơ sở kinh doanh, bán lẻ xăng dầu triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt”, thời gian qua, các sở, ngành và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã tập trung thực hiện nhiệm vụ này. Đến nay, 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tiếp nhận thanh toán của khách hàng thông qua các hình thức không dùng tiền mặt, như: Ví điện tử, QR Code, thanh toán qua tài khoản tại ngân hàng… Tuy nhiên, hiện nay, các giao dịch không dùng tiền mặt tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu chưa cao, người dân vẫn quen sử dụng tiền mặt khi mua xăng dầu; nhân viên bán hàng tại một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu chưa khuyến khích, hướng dẫn người mua hàng thanh toán không dùng tiền mặt.
Để góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trên toàn tỉnh năm 2024, các chỉ tiêu xã hội số gắn với thanh toán không dùng tiền mặt của người dân trong mua bán xăng dầu, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tổ chức đợt cao điểm hỗ trợ triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/6/2024 đến khi duy trì ổn định hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại mỗi cơ sở.
Để việc thanh toán không dùng tiền mặt khi mua xăng dầu triển khai nhanh chóng, thuận lợi, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Tổ công nghệ số tại các xã, phường, thị trấn phối hợp với lực lượng Công an, ngành Thuế bố trí đội ngũ thường trực tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên bộ thuộc địa bàn quản lý để phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ người dân mua xăng dầu thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng. Tỉnh cũng chỉ đạo 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn chi trả, thanh toán xăng dầu sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Sở Công Thương quán triệt, hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt khi mua xăng dầu gắn với thực hiện xuất hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Các ngành: Công an tỉnh, Quản lý thị trường tỉnh chủ động, tích cực phối hợp với Sở Công Thương, UBND các địa phương bố trí cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn người dân mua xăng dầu thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh chỉ đạo ngân hàng thương mại phối hợp thực hiện hướng dẫn doanh nghiệp và người dân sử dụng mã QR, đảm bảo liên kết tài khoản ngân hàng với ví điện tử của đơn vị viễn thông đồng nhất.
Đặc biệt, các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, gắn với xuất hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng; niêm yết công khai các hình thức thanh toán trực tuyến (số tài khoản, mã QR…), cung cấp wifi miễn phí, bố trí vị trí phù hợp đặt mã quét QR… đảm bảo tuyệt đối an toàn toàn phòng chống cháy nổ khi người dân thực hiện thanh toán qua các thiết bị thông minh.
Theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025, đến cuối năm 2025, tỉnh phấn đấu 50% thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử, 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm. Đối với lĩnh vực xăng dầu, hiện đã có 170/174 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã triển khai hoá đơn điện tử qua app và máy pos để thực hiện xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng (chiếm 97,7%). Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh tới đây sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong mua bán xăng đầu, đồng thời góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.