Ở vào tuổi 113, Nghệ nhân Ưu tú Vi Thị Mè vẫn còn khá minh mẫn để chỉ bảo những giai điệu cơ bản cho con cháu làm then cổ nhằm bảo tồn, trao truyền và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày tỉnh Quảng Ninh.
Theo hồ sơ lý lịch nghệ nhân, cụ Vi Thị Mè còn có tên khác là Hoàng Thị Mè, sinh năm 1911, thường trú tại thôn Nà Khau, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu. Từ khi còn nhỏ, cụ Mè đã thường đi theo mẹ ca hát then nghi lễ của người Tày để giải hạn, cầu phúc, cầu mùa, cầu sức khỏe và chữa bệnh… cho mọi người. “Khi lớn lên, trưởng thành, tôi có niềm đam mê hát then cổ truyền từ mẹ là bà Hoàng Thị Hà cũng là người thầy của tôi. Ở giai đoạn đó, tôi chỉ biết đi làm và làm then để giúp đỡ cộng đồng rồi trao truyền lại nghi lễ này cho người dân bản lân cận, những người có căn duyên với tôi…” – cụ Mè nhớ lại.
Cụ Mè là người thuộc nhiều làn điệu then (đường then), ngay cả những đường then dài đọc cả đêm không hết. Nhờ đó, ngay từ khi còn trẻ, cụ Mè đã làm Then và truyền dạy cho các con tràng (những học trò thực hành di sản hát then có cùng chung một sư phụ).
Lúc còn trẻ, cụ Mè có thể tự diễn xướng một cuộc hành trình dài dằng dặc mà không hề vấp váp. Mỗi đường then gắn với một nghi lễ, tùy theo yêu cầu của gia chủ. Có thể kể đến một số nghi lễ (đường then) tiêu biểu như: Hắt khoăn là nghi lễ do các con cháu chúc thọ ông bà, bố mẹ, giải hạn, thường được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm; lảu then được coi là một “đại tiệc diễn xướng” của những người làm then, thường được tổ chức từ tháng Chạp cho đến hết tháng Giêng…
Theo năm tháng, cụ Mè đã cần mẫn thực hành và truyền dạy được cho 25 học trò. Trong đó, 2 người học trò tiêu biểu được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú là Nông Thị Sin, thôn Cốc Lồng, xã Lục Hồn và Hà Thị Phương ở thôn Cáng Bắc, xã Lục Hồn. Theo lời cụ Mè, người làm then phải là người có căn số, được tổ tiên của những dòng họ từng có người làm then lựa chọn.
Trước đây, khi sức khoẻ còn cho phép, hàng năm, cụ Mè vẫn tổ chức lảu then cho các con tràng tại nhà. Làm lảu then để tỏ lòng thành kính của các then với Ngọc hoàng và những bậc tiền bối đã khuất. Cụ Mè cùng các học trò dâng lên lễ vật được chuẩn bị chu đáo, lấy từ những sản vật quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của cư dân nông nghiệp. Bên cạnh việc biết hát, những người làm then như cụ Mè còn phải biết chơi đàn tính, chùm xóc nhạc, chuông và cả biết múa để tạo ra sức lôi cuốn người xem.
Nghệ nhân Vi Thị Mè cũng từng nhiều lần phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao hỗ trợ cán bộ kiểm kê sưu tầm then nghi lễ. Bên cạnh nắm giữ nghệ thuật trình diễn then nghi lễ, hiện nay, cụ Mè còn là nghệ nhân lưu giữ được đàn tính cổ, kiếm, tranh, 3 ấn cổ và những dụng cụ làm then. Đó là những hiện vật quý gắn liền với những tri thức dân gian về diễn xướng then cổ của dân tộc Tày ở Bình Liêu.
Vượt qua tuổi bách niên, mấy năm nay sức khỏe của cụ Mè không được tốt như xưa, một bên mắt gần như đã bị loà nên cụ không còn đi làm then được nữa. Ấy vậy, cụ vẫn tổ chức cho các học trò cùng ngồi bên nhau ôn lại những giai điệu then cổ từ xưa để lại, như: Lảu then, cầu phúc, cầu mưa, giải hạn, vượt núi, vượt sông, vượt biển… cầu cho con cháu, gia đình làm ăn may mắn, mạnh khỏe, hạnh phúc, thành đạt trong cuộc sống.
Năm 2023, ở vào tuổi 112, cụ Vi Thị Mè được Chủ tịch nước công nhận là Nghệ nhân Ưu tú. Ông Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Truyền thông – Văn hóa Bình Liêu, chia sẻ: “Nghệ nhân Vi Thị Mè như là người về từ cổ tích. Cụ đã 113 tuổi, vết thời gian như tụ lại ở pho tượng sống này. Những ưu tư gửi lại cho hơn một thế kỷ, cụ cứ nhẹ nhàng, tỉnh táo thi gan cùng tuế nguyệt. Ở trường hợp của cụ, then thật diệu kỳ”.