Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vừa có đánh giá về Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu 2024, trong đó Việt Nam giảm 3 bậc so với năm 2021.
Báo cáo Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu 2024 theo phương pháp đánh giá mới do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố.
“Kết quả xếp hạng chỉ số này chưa phản ánh thật sự chính xác”
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, đã có một số điều chỉnh trong cách đánh giá của báo cáo, điều này dẫn đến các chỉ số của Việt Nam cũng thay đổi. Trong đó, chỉ số mới “Tác động kinh tế – xã hội của du lịch” của Việt Nam chỉ xếp hạng 115/119 nền kinh tế là khá bất ngờ.
Bởi cục cho rằng với Việt Nam, du lịch là ngành kinh tế rất quan trọng. Trong các báo cáo tình hình kinh tế – xã hội hằng tháng, quý, năm của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lĩnh vực du lịch, dịch vụ thường xuyên được đánh giá là điểm sáng trong nền kinh tế, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo động lực thúc đẩy nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Do đó, cục đánh giá kết quả xếp hạng chỉ số này chưa phản ánh thật sự chính xác tác động của du lịch Việt Nam đến phát triển kinh tế – xã hội, có thể do Diễn đàn Kinh tế thế giới chưa có đầy đủ dữ liệu thống kê cập nhật về du lịch Việt Nam.
Tương tự, chỉ số “Mức độ mở cửa du lịch” của Việt Nam xếp hạng 80, trong nhóm trung bình thấp của thế giới.
Chỉ số này gồm có 4 chỉ số thành phần, trong đó “Yêu cầu về thị thực nhập cảnh” được đánh giá dựa trên báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới về Độ mở thị thực năm 2015 (UNWTO Visa Openness Report 2015) là đã lạc hậu, chưa phản ánh được sự cải thiện lớn về chính sách thị thực của Việt Nam vừa qua.
Tuy vậy, cục vẫn đưa ra một số giải pháp để cải thiện Chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam.
Với các chỉ số có điểm cao, Việt Nam tiếp tục phát huy như sức cạnh tranh về giá, tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, mức độ an toàn, an ninh. Tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc về di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên ở các địa phương.
Đối với một số chỉ số bị tụt hạng nhiều như chỉ số “Hạ tầng hàng không” (giảm 17 bậc), kiến nghị ngành hàng không tiếp tục nâng cao năng lực phục vụ vận tải hành khách, cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng số lượng ghế cung ứng, mở rộng kết nối mạng bay trong và ngoài nước, giảm giá vé máy bay để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Để cải thiện chỉ số “Sự bền vững về nhu cầu du lịch” (giảm 24 bậc), ngành du lịch cần phát triển thêm tour du lịch, sản phẩm du lịch hấp dẫn để khách du lịch quốc tế tăng thời gian lưu trú tại Việt Nam.
Đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu du khách quanh năm để giảm tính mùa vụ của du lịch quốc tế. Phát triển thêm các điểm đến mới, điểm đến thứ cấp nhằm giảm thiểu tình trạng quá tải tại một số trọng điểm du lịch.
Bên cạnh đó, đối với một số hạn chế cố hữu đã tồn tại qua nhiều kỳ báo cáo như chỉ số “Y tế và vệ sinh” (hạng 81) và “Sự bền vững về môi trường” (hạng 93), cần có sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các địa phương triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh tại điểm đến.
Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy các chỉ số trong nhóm trung bình cao và còn nhiều dư địa tăng trưởng như: “Tài nguyên phi giải trí”, “Nhân lực và thị trường lao động”, “Mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông”…
Trong đó, cần tiếp tục quan tâm tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành du lịch theo hướng hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ, thống nhất…