Ngày 26/5, sau khi dự Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đồng chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, ngành Trung ương.
Hội nghị đánh giá, thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2023, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai công tác phối hợp, bảo đảm hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp, các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và yêu cầu thực tiễn.
Trong đó, tiếp tục phối hợp nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về an sinh, phúc lợi xã hội cho người lao động, nâng cao đời sống của người lao động; giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và Chính phủ “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”. Nổi bật là hưởng ứng các phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; chương trình “01 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID – 19”.
Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã tham dự các hoạt động của tổ chức công đoàn; đến thăm, động viên đoàn viên công đoàn, người lao động tại các cơ sở sản xuất, các nhà máy, khu công nghiệp nhân dịp Tháng Công nhân. Vào dịp Tết nguyên đán, lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành đã chỉ đạo và tham gia nhiều hoạt động chăm lo Tết đối với người lao động.
Đáng chú ý, tại Kết luận hội nghị đánh giá công tác phối hợp kỳ trước, Thủ tướng Chính phủ đã giao 11 nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan. Đến nay có 08 nhiệm vụ đã thực hiện; 01 nhiệm vụ đã và đang được phối hợp thực hiện; 02 nhiệm vụ chưa được thực hiện.
Tại Hội nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương 12 nội dung và được các bộ, ngành thảo luận, giải đáp. Trong đó có các nội dung về: quan tâm quyền và lợi ích của người lao động và hoạt động công đoàn khi xây dựng các chủ trương, chính sách pháp luật; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; về đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần; các chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non; xét danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”; giáo dục kiến thức về văn hóa, kỹ năng nghề cho công nhân; bố trí ngân sách phát triển cơ sở khám chữa bệnh nơi có đông công nhân lao động…
Các đại biểu cũng đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp nâng cao ý thức, kỹ năng cho Công đoàn viên, công nhân, người lao động trên môi trường số; ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giáo dục, đào tạo và trao đổi, tương tác giữa cơ quan quản lý với công nhân, người lao động.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các cấp Công đoàn, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và những vấn đề phát sinh một cách thiết thực, khăng khít, hiệu quả trên tinh thần “không màu mè”, “đã nói là làm; đã cam kết phải thực hiện có hiệu quả cụ thể” mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động và góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Biểu dương, đánh giá cao và cám ơn sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành có hiệu quả của Công đoàn Việt Nam, đoàn viên và người lao động cả nước thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành công chung của cả nước, Thủ tướng khẳng định, sự phối hợp ngày càng khăng khít, chất lượng, hiệu quả giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đóng góp tích cực vào thành công chung của cả nước thời gian qua.
Tăng trưởng được thúc đẩy, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Các lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và bảo đảm; chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.
Thủ tướng chỉ rõ, năm 2024 – năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tình hình thế giới, khu vực thời gian tới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tạo thách thức, áp lực lớn lên chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế – xã hội nước ta. Trong nước, khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, đẩy mạnh tăng tốc, bứt phá để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025.
Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và tổ chức Công đoàn vững mạnh, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện 01 nhiệm vụ trung tâm, 03 quan tâm, 05 đẩy mạnh thời gian tới.
Trong đó, nhiệm vụ trung tâm là nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa hai bên, góp phần tích cực vào thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, hiện đại, đất nước hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Theo Thủ tướng, “3 quan tâm” gồm: Quan tâm lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giai cấp công nhân, phản ánh kịp thời với Đảng, chính quyền, doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ, giải quyết; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, chăm lo các đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn và nhà ở cho người lao động; quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động theo Hiến pháp, pháp luật và theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện “5 đẩy mạnh”: Đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về lao động và tạo thuận lợi cho người lao động, công đoàn; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đoàn viên, người lao động; đẩy mạnh tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, với tinh thần “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; đẩy mạnh xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, trong đó có nội dung nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh thực hiện tốt vai trò của Công đoàn, là cầu nối quan trọng của Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam.
“Công đoàn các cấp cần quan tâm quản lý chặt chẽ tài chính, tài sản công, trong đó khai thác hiệu quả các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng Công đoàn dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý theo Hiến pháp, pháp luật”, Thủ tướng Chính phủ lưu ý.
Đối với các đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trên cơ sở ý kiến thảo luận của các bên, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí xem xét, giải quyết trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giao các bộ, ngành liên quan phối hợp với Tổng Liên đoàn Việt Nam rà soát danh sách, nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện và yêu cầu phát triển đất nước.