Quảng Ninh hiện sở hữu 176km đường cao tốc, được ví là trục xương sống, kết nối các địa phương, trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, tuyến đường nằm ở vị trí có khả năng bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến kết cấu công trình, gây gián đoạn giao thông. Để hạn chế thấp nhất những tác động bởi thời tiết, ngành GTVT đang triển khai phương án chủ động phòng chống.
Sau hơn một năm đưa vào khai thác đồng bộ toàn tuyến, theo tổng hợp từ Sở GTVT, trung bình mỗi ngày có khoảng trên 5.000 lượt phương tiện di chuyển trên tuyến cao tốc dọc tỉnh kéo dài từ cầu Bạch Đằng đến Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái. Tuyến đường đi qua nhiều địa phương, kết nối dọc tỉnh, thi công trên hướng tuyến mới hoàn toàn, vượt qua nhiều địa hình phức tạp như đầm lầy, đồi núi, vì thế ngay trong quá trình thi công dự án đã từng xuất hiện vị trí sụt lún, sạt trượt do đất đá rời rạc, hẫng chân, nhiều vị trí vẫn đang trong quá trình biến đổi chưa ổn định… Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn, đặc biệt khi mùa mưa bão về.
Với mục tiêu chủ động ứng phó kịp thời với các loại hình thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do mưa bão gây ra, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GT-VT, các đơn vị quản lý tuyến đã triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường bảo vệ tuyến cao tốc.
Ông Lê Văn Nam, Trưởng Ban Điều hành đoạn cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và Vân Đồn – Tiên Yên, cho biết: Với phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tổ chức kiện toàn lại Ban Chỉ huy để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện ở mỗi cấp. Đồng thời, triển khai các lớp tập huấn, nhằm nâng cao nhận thức, năng lực của cán bộ công nhân viên trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ; đầu tư, trang bị bổ sung các phương tiện, trang thiết bị; tăng cường công tác tuần đường đúng quy định, đảm bảo các sự cố được phát hiện và xử lý kịp thời, hiệu quả và an toàn… để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.
Hiện đơn vị đang gấp rút thực hiện kiểm tra, rà soát công trình thoát nước, lề đường, mái taluy trước mùa mưa bão để triển khai sửa chữa kịp thời những công trình hư hỏng; lập kế hoạch, phương án cụ thể đảm bảo khả năng thoát nước tốt và an toàn tuyệt đối. Đồng thời, lập bình đồ phương án khi có sự cố để kịp xác định các điểm phá dỡ hàng rào, lan can, dải phân cách làm tuyến tạm để duy trì tuyến thông suốt; bố trí các vị trí bãi thải, chủ động cho việc đổ thải, vị trí tập kết thiết bị bốc xúc và vận chuyển, ký hợp đồng phối hợp với các nhà thầu địa phương, khi cần có thể sử dụng thiết bị và phương tiện sẵn có.
Để kịp thời phát hiện, xử lý những nguy cơ tiềm ẩn, đơn vị quản lý đã thành lập các tổ công tác, trang bị phương tiện chuyên dụng để tổ chức tuần đường mỗi ngày. Ngoài thu thập thông tin, phát hiện các vi phạm hành lang an toàn giao thông, loại bỏ các chướng ngại vật trên đường, tổ công tác thực hiện rà soát toàn bộ kết cấu hạ tầng, phát hiện những vấn đề bất thường để báo cáo trung tâm chỉ huy, triển khai sớm công tác khắc phục. Quan điểm là ưu tiên hàng đầu bảo vệ tính mạng, an toàn con người; tập trung các biện pháp xử lý phù hợp với điều kiện thực tế trên hiện trường, đảm bảo giao thông trên tuyến.
Nếu xem xét thấy sự cố cần thông báo tới các đơn vị liên quan khác, trung tâm điều hành giao thông tuyến thông tin đến các cơ quan phối hợp, cơ quan truyền thông địa phương, trung ương và trạm thu phí gần đó, để kịp thời thông báo cho các phương tiện đã và đang có ý định đi vào tuyến…
Tương tự tại 2 đoạn tuyến còn lại là cao tốc Hạ Long – Vân Đồn và Tiên Yên – Móng Cái, đơn vị quản lý là Công ty CP BOT Biên Cương cũng đang khẩn trương thực hiện rà soát và triển khai các biện pháp chủ động đối phó và xử lý khi mưa bão đến.
Với tinh thần chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương của các đơn vị quản lý, trục cao tốc dọc tỉnh sẽ đảm bảo thông suốt, an toàn ngay cả trong những ngày mưa bão lớn, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân, du khách đi lại an toàn; kết nối nhanh, hiệu quả giữa các vùng trong tỉnh.