Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 23/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 và kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Phát biểu thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, đại biểu Quốc hội Quảng Ninh nhấn mạnh, hiện nay việc thực hiện một số chương trình mục tiêu quốc gia vẫn chưa thực sự hiệu quả. Đơn cử như chương trình phát triển kinh tế-xã hội nông thôn miền núi chưa được đồng bộ, việc tập trung chỉ đạo chưa thống nhất và việc kết hợp với các chương trình khác như giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới còn để xảy ra tình trạng trùng lắp, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư nguồn lực. Do đó, việc xem xét, đánh giá hiệu quả các chương trình cần có sự rà soát, rút kinh nghiệm sâu sắc để đưa ra những chỉ đạo hợp lý trong thực hiện thời gian tới.
Đối với nội dung chuyển đổi số quốc gia, đồng chí đề nghị cần xây dựng chiến lược cụ thể, có mục tiêu rõ ràng, đào tạo theo hướng có địa chỉ trọng tâm, trọng điểm. Trong lĩnh vực tài chính cần xử lý các dự án tồn đọng; tái cơ cấu ngành ngân hàng; xem xét các mô hình thí điểm, tập trung các mô hình phát triển kinh tế mũi nhọn có tính cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh quan tâm một số vấn đề trong KT-XH. Trong đó, tăng trưởng và kết quả tăng trưởng những tháng đầu năm 2024 với bối cảnh trong nước, khu vực khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, nhưng kết quả đạt được rất đáng biểu dương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần đặt ra trong thời gian tới như: Việc thừa, thiếu trong cơ cấu nguồn nhân lực; đào tạo nhân lực chuẩn bị cho công nghiệp bán dẫn rất cần triển khai sớm; công nghiệp chế biến, chế tạo đà tăng còn thấp; việc xử lý các thủ tục hành chính còn trì trệ, không đúng hạn, tâm lý còn né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm… Do đó, đại biểu đề nghị cần quan tâm xây dựng, triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để giải quyết các hạn chế này.
Tham gia thảo luận, đại biểu Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cần xây dựng một cơ chế đặc thù, chương trình mục tiêu quốc gia riêng về xâm nhập mặn, trong bối cảnh thiên tai, biến đổi khí hậu có những diễn biến bất thường như hiện nay. Trong đó, việc xây dựng, đắp đê điều có thể tận dụng những nguồn đất đá thải. Đơn cử như tại Quảng Ninh, nguồn đất đá thải mỏ lớn có thể là nguồn vật liệu cung cấp hiệu quả cho các công trình tôn tạo, đắp đê điều, kè chống xâm nhập mặn…
Trong phiên làm việc chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Thành viên Chính phủ và các cơ quan, cá nhân có liên quan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.