“Megalopolis” là bộ phim được đạo diễn Francis Ford Coppla ấp ủ suốt 40 năm. Tác phẩm nhận nhiều đánh giá trái chiều bên cạnh tràng vỗ tay kéo dài 7 phút tại Liên hoan phim Cannes.
Theo Independent, bộ phim dài 140 phút của đạo diễn Francis Ford Coppla nhận phản ứng trái chiều tại buổi ra mắt Liên hoan phim Cannes ngày 16/5. Megalopolis là tác phẩm mới nhất của đạo diễn Bố già.
Bộ phim có sự tham gia của Adam Driver trong vai Cesar Catilina, kiến trúc sư, nhà khoa học muốn cải tiến phiên bản hư cấu của Thành phố New York trong tên gọi New Rome. Phần lớn bộ phim xoay quanh kế hoạch lớn của Cesar là xây dựng dự án không tưởng mang tên Megalopolis, xung đột với mục tiêu của thị trưởng thành phố Cicero (Giancarlo Esposito đóng).
Independent đưa tin khán giá la ó, phản ứng không tốt sau khi bộ phim kết thúc. Bộ phim được ấp ủ suốt 40 năm của Francis Ford Coppla, được đầu tư với kinh phí 120 triệu USD có nhiều ý kiến trái chiều, từ “tham vọng đáng kinh ngạc” cho đến “điên rồ tuyệt đối” và “nông cạn một cách khó hiểu”.
Trái ngược với phản ứng của khán giả, chuyên gia dành tràng vỗ tay kéo dài 7 phút cho bộ phim. Trong đám đông, Coppola nói: “Cảm ơn mọi người rất nhiều, tôi không thể diễn tả được cảm xúc của mình. Tôi cam kết trung thành với gia đình (dàn diễn viên) mình”.
Song, tràng vỗ tay kéo dài 7 phút không giúp phim được giới chuyên môn đánh giá cao.
Trên Guardian, nhà phê bình Peter Bradshow đánh giá bộ phim “khủng khiếp và nhàm chán”, “dự án đam mê nhưng không có đam mê, chứa đầy chân lý về tương lai nhân loại”.
Nhà phê bình Bilge Ebiri lại cho rằng Megalopolis đôi khi trông giống suy nghĩ cuồng nhiệt của đứa trẻ phát triển sớm, bị choáng váng và lạc lõng trước thế giới.
“Megalopolis như bộ phim bình thường. Nhân vật nói những cụm từ cổ xưa, pha trộn các đoạn của Shakespeare, Ovid, đôi lúc dùng từ Latin”, Bilge Ebiri nhận xét.
Tuy nhiên, vẫn có một số nhận xét tích cực khi bàn về bộ phim ấp ủ suốt 40 năm của đạo diễn Bố già. Trên IndieWire, nhà phê bình David Ehrlichcho rằng “bộ phim không cho chúng ta thấy tương lai của điện ảnh nhiều đến đâu nhưng khơi gợi mong muốn rằng điện ảnh vẫn còn tương lai”.
David Ehrlichcho còn cho rằng phim gợi nhớ bộ phim hoành tráng Apocalypse Now (1979) của chính đạo diễn. Lúc đó, phim có quy trình sản xuất khó khăn, nhận nhiều lời chê bai tại Liên hoan phim Cannes trước khi được giới phê bình hoan nghênh.