Di sản Yên Tử, những thắng cảnh tự nhiên Phượng Hoàng, Bình Hương, khu du lịch cấp tỉnh hồ Yên Trung… là những điểm nhấn tạo sức hút cho du lịch Uông Bí. Địa phương này còn có một thế mạnh khác lâu nay chưa được khai thác đúng mức là vốn văn hoá bản địa.
Dưới chân non thiêng Yên Tử, tương truyền xưa kia có những cung tần, mỹ nữ từng theo vua Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành nhưng không được chấp thuận. Họ đã ở lại đây kết duyên với người dân địa phương, sinh cơ lập nghiệp. Chưa ai chứng minh được tính thực hư của câu chuyện này, chỉ biết rằng dưới chân Yên Tử ngày nay là những bản làng người Dao Thanh Y xã Thượng Yên Công với nhiều nét văn hoá đặc sắc.
Thời gian gần đây, xã Thượng Yên Công đã chú trọng phát triển du lịch gắn với khai thác các giá trị văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc Dao Thanh Y… Mô hình tiên phong là Tổ hợp tác cộng đồng dân tộc Dao Thanh Y, do chị Trương Thị Thanh Hương làm Tổ trưởng. Đi vào hoạt động từ tháng 2/2024, hiện Tổ hợp tác phục vụ các hoạt động ẩm thực, chăm sóc sức khoẻ, văn hoá, văn nghệ, thể thao của cộng đồng theo nhu cầu của du khách.
Mới mẻ và có sự đầu tư, Tổ hợp tác đã thu hút lượng khách tương đối phong phú, trong đó có không ít là khách đến tham quan, chiêm bái Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử ghé vào nghỉ ngơi, thư giãn, trải nghiệm một nét văn hoá độc đáo của người dân bản địa dưới chân non thiêng Yên Tử.
Khai thác nông sản địa phương gắn với vùng đất thiêng Yên Tử phải kể tới mô hình chế biến quả mơ lông thành rượu mơ, nước mơ, mứt, ô mai mơ… của gia đình ông Vũ Anh Tuấn (thôn Nam Mẫu 2, xã Thượng Yên Công). Riêng hầm rượu mơ của ông Tuấn được thiết kế dựa theo huyền tích về giấc mơ vua Trần Nhân Tông trên đường về Yên Tử tu hành, ngủ lại ngôi chùa dọc đường. Du khách về Yên Tử ghé gia đình ông Tuấn thưởng thức một số sản phẩm nước mơ, ô mai mơ thơm ngon, hấp dẫn và tìm hiểu về câu chuyện của Phật hoàng năm xưa, tìm hiểu về một nghề truyền thống gắn với vùng đất thiêng Yên Tử, gắn với một đặc sản của địa phương.
Được hưởng sự ưu đãi của thiên nhiên, dưới chân non thiêng Yên Tử còn khá nhiều những cảnh điểm đẹp có thể khai thác cho du lịch sinh thái. Danh thắng Khe Song – Thác Bạc thu hút bởi cảnh quan êm đềm, đi sâu vào là rừng cây, khe suối tự nhiên mát mẻ. Đặc biệt các hộ khai thác dịch vụ tại đây chú trọng phát triển dịch vụ gắn với văn hoá ẩm thực đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn, tạo nên nét đặc sắc riêng thu hút du khách. Hiện khu vực sinh thái Khe Song – Thác Bạc đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, góp phần phát triển du lịch xanh ở vùng đất Uông Bí gắn với khai thác các giá trị văn hoá của địa phương.
Đứng chân ở Yên Tử, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm những năm qua đã khai thác vốn văn hoá bản địa tương đối bài bản, đưa người dân địa phương tham gia vào các hoạt động văn hoá – du lịch tại khu vực Làng Nương. Việc kết nối khách từ Yên Tử tới các điểm du lịch văn hoá tại khu vực xã Thượng Yên Công cũng được đơn vị tính đến nhằm gia tăng cơ hội cho du khách trải nghiệm các giá trị văn hoá bản địa, đáp ứng nhu cầu của không ít du khách, trong đó có cả khách quốc tế. Đây cũng là hướng mở giúp gia tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của du khách, góp phần lan toả mạnh mẽ hơn nữa các giá trị văn hoá của Di sản Yên Tử, giá trị văn hoá bản địa của vùng đất Thượng Yên Công dưới chân non thiêng Yên Tử nói riêng, TP Uông Bí nói chung.