Ngày càng nhiều bộ phim Việt lợi dụng bi kịch như mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, tiểu tam, ngoại tình… để thu hút người xem. Đây được xem là gia vị giúp phim trở nên hấp dẫn nhưng cũng dễ gây tác dụng ngược khiến khán giả cảm thấy nhàm chán, mệt mỏi.
Nhan nhản mô típ mẹ chồng nàng dâu, ngoại tình
Vài năm trước, phim truyền hình Việt dần kéo được lượng người xem đông đảo nhờ sự mới mẻ, dàn diễn viên thực lực.
“Sống chung với mẹ chồng” là một trong những bộ phim đưa phim truyền hình Việt quay trở lại với khán giả một cách ngoạn mục. Tại thời điểm đó, bộ phim khai thác mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, mối quan hệ vợ chồng, khiến khán giả cảm thấy hấp dẫn, gần gũi thay vì xem phim Hàn Quốc, Trung Quốc. Tuy nhiên, sau “Sống chung với mẹ chồng”, hàng loạt bộ phim tiếp tục khai thác chủ đề này một cách quá đà như “Cả một đời ân oán”, “Thương ngày nắng về”… khiến khán giả cảm thấy nhàm chán và thậm chí gây “ám ảnh” cho một bộ phận khán giả trẻ khi nhắc tới mẹ chồng.
Bên cạnh câu chuyện mẹ chồng nàng dâu, mô típ ngoại tình, tiểu tam – chính thất cũng được các biên kịch khai thác liên tục. Không thể phủ nhận những tình tiết kịch tính được thêm vào phim sẽ khiến khán giả thêm tò mò đón đợi cách gỡ những nút thắt từ phía những nhân vật trong phim. Thế nhưng khi liên tiếp những bi kịch, tình tiết kịch tính lại dễ khiến khán giả cảm thấy mệt mỏi khi xem phim trong khi lẽ ra họ tìm đến những bộ phim để giải trí.
Mới đây nhất phải kể tới bộ phim “Trạm cứu hộ trái tim”, khiến khán giả cảm thấy khi nhồi nhét hàng loạt bi kịch. Vì trả thù, Nghĩa (Quang Sự đóng) đã tìm cách kết hôn với Ngân Hà (Hồng Diễm đóng) trong khi có mối tình lâu năm và con chung với An Nhiên (Lương Thu Trang đóng). Khi Ngân Hà biết được sự thật cũng là lúc cô biết mình mang thai với Nghĩa. Trong khi đó An Nhiên liên tục bày mưu để mình được danh chính ngôn thuận là vợ Nghĩa.
Những tình tiết trong phim khiến khán giả cảm thấy phi lý khi Ngân Hà dù biết việc mình bị lừa dối nhưng vẫn hiền lành, ngu ngơ còn nhân vật Nghĩa và An Nhiên bị khắc họa một cách bỉ ổi, cực đoan. Trên mạng xã hội, nhiều khán giả bày tỏ sự mệt mỏi, bức xúc khi theo dõi một bộ phim phát sóng giờ vàng.
Bộ phim “Dưới bóng cây hạnh phúc” cũng tương tự khi xây dựng bi kịch chồng chất bi kịch khiến nữ chính Son (Kim Oanh đóng) được khán giả gọi với biệt danh “cô con dâu khổ nhất màn ảnh Việt”.
Khán giả cần được xem đa dạng các thể loại
Bên cạnh những bộ phim nhồi nhét bi kịch, vẫn có một vài phim Việt mang tính “chữa lành” và vẫn hút người xem. Ví dụ như “Cuộc đời vẫn đẹp sao” kể về cuộc sống nghèo khổ của người lao động nhưng họ vẫn yêu cuộc đời, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn. Dù vẫn có những kịch tính nhất định nhưng bộ phim nhận được vô số lời khen từ khán giả.
Quay trở lại với những bi kịch trong phim Việt, nó như gia vị giúp bộ phim tăng thêm độ thu hút nếu được khai thác một cách hợp lý. Nữ diễn viên Lương Thu Trang lý giải những bi kịch trong phim cũng được lấy ý tưởng từ những gì diễn ra ngoài đời thật, nhiều khán giả cũng có thể thấy mình trong đó: “Những tình tiết trong phim ngoài đời có chứ và thậm chí là xảy ra rất nhiều. Những tình tiết bi kịch gây tranh cãi vì khán giả quan tâm rất nhiều. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật rằng, đâu đó trong cuộc sống này vẫn xảy ra những câu chuyện như vậy và phim chỉ đưa lại những câu chuyện đã và đang xảy ra.
Phim là phản ánh thực tế, tuy nhiên, cũng có phần làm quá lên một chút để thu hút khán giả hơn. Nên khán giả hãy cùng xem, theo dõi và suy ngẫm biết đâu sau này chính chúng ta sẽ gặp phải những tình huống như vậy, khi đó chúng ta sẽ có thêm kinh nghiệm xử lý”.
Lương Thu Trang cũng cho rằng, những bộ phim phát trên Đài truyền hình quốc gia cũng cần đa dạng các thể loại để phục vụ nhiều khán giả thuộc các lứa tuổi khác nhau.