Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển thêm hơn 2.000 doanh nghiệp mới, qua đó hoàn thành mục tiêu toàn tỉnh có 20.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và số doanh nghiệp giải thể trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng tăng so với cùng kỳ. Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển doanh nghiệp và đặc biệt là đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, hiện tỉnh đã và đang có nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp.
Theo kết quả báo cáo KT-XH quý I/2024, trên địa bàn tỉnh có 510 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc thành lập mới, đạt 18% so kế hoạch năm 2024 đề ra là thành lập mới 2.000 doanh nghiệp. Số vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng 124,3% so với cùng kỳ. Số vốn đăng ký bình quân của mỗi doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là gần 15 tỷ đồng. Cùng với đó, có gần 280 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 9,9% so với thời điểm này của năm 2023. Luỹ kế đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có gần 17.000 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký kinh doanh (trong đó có 11.617 doanh nghiệp và chi nhánh đang hoạt động, có kê khai thuế), với vốn đăng ký đạt hơn 346 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng trong quý I/2024, trên địa bàn tỉnh đã có gần 900 doanh nghiệp tạm ngừng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2023; 61 doanh nghiệp giải thể, tăng gần 42% so cùng kỳ. Đánh giá về vấn đề này, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho rằng, nguyên nhân phần lớn là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, giá cả năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Cùng với đó là những khó khăn nội tại của doanh nghiệp do khó tiếp cận thị trường, vốn, nguồn nhân lực…
Với mục tiêu phát triển thêm hơn 2.000 doanh nghiệp trong năm 2024, tỉnh xác định việc đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn sẽ là yếu tố quan trọng nhất. Trong đó, tỉnh đang ưu tiên trước hết vào việc tập trung rà soát, đơn giản hóa, thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC theo quy trình giải quyết “5 bước trên môi trường điện tử” để phục vụ tốt hơn nữa người dân, doanh nghiệp; triển khai mô hình 53 dịch vụ công thiết yếu, mô hình TTHC không giấy tờ, giải quyết TTHC phi địa giới hành chính. Chuẩn hóa, xây dựng mẫu đơn tờ khai điện tử (e-form) theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa… Khai thác hiệu quả Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ…
Tỉnh cũng sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với tinh thần chủ động, quyết liệt. Trong đó, ưu tiên tập trung vào các giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức về nguồn vốn, nhân lực và mở rộng thị trường. Hiện nay, qua các kênh xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại, các sở, ngành chức năng của tỉnh đã và đang hỗ trợ đưa thông tin sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài (tập trung vào Thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, các nước ASEAN..) để tìm kiếm cơ hội giao thương, tìm kiếm đối tác nhập khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất dầu thực vật, bột mì – những sản phẩm sản xuất chủ lực của tỉnh phát triển thêm thị trường xuất khẩu tiềm năng (như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc,…).
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp về nguồn lao động, hiện các sở, ngành, đơn vị đang tập trung vào công tác tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp thông qua công tác đào tạo nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc miền núi – những vùng còn nhiều tiềm năng về nguồn lao động phổ thông phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời tổ chức các hội nghị giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đưa ra các giải pháp đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và thị trường lao động; tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ có kết nối trực tuyến trong và ngoài tỉnh…
Đặc biệt, dựa vào những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian qua, Quảng Ninh cũng đã chú trọng đến việc thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn kinh tế nước ngoài lớn có khả năng kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất vệ tinh, tạo thành chuỗi giá trị toàn cầu; thu hút các nhà đầu tư có uy tín, thương hiệu, có năng lực tài chính và trình độ, kinh nghiệm quản lý, có khả năng liên kết và tác động tích cực đến các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.